- Cây hoàn ngọc (xem ảnh) còn có tên là cây con khỉ, họ Ô rô (Acantaceae). Trong tự nhiên, có hai loại là hoàn ngọc đỏ (Pseuderanthemum bracteatum) và cây hoàn ngọc trắng (Pseuderanthemum palatiferum).
Thứ nhất, cây hoàn ngọc đỏ (cây xuân hoa lá hoa), là cây bụi, cao từ 0,6 đến 1,5m, sống lâu năm. Lúc còn non, thân trơn nhẵn, màu hơi vàng hồng, lá đơn, nguyên, mọc đối, cuống lá dài, phiến lá hình mũi mác. Lá non có vị chát, hơi chua, thường được dùng ăn kèm với thịt, cá như một loại rau gia vị để giúp cho việc tiêu hóa tốt, tránh đầy bụng, sôi bụng, đau bụng. Cây ra hoa vào tháng 12 năm trước đến tháng 2 năm sau, khi đó người dân cắt lấy phần trên mặt đất, gồm các cành non và lá, rửa sạch phơi khô. Khi dùng cần cắt ra từng đoạn 5 đến 7cm, liều 20 đến 40g/ngày sao vàng, sắc lấy nước uống để chữa bệnh: Đau bụng, quặn bụng, sôi bụng, đầy hơi, đi ngoài phân sống nát, trĩ, đi ngoài ra máu. Ngoài ra, lấy lá tươi, rửa sạch, giã nát đắp và băng chặt vào chỗ vết thương chảy máu có tác dụng cầm máu. Thứ hai, cây hoàn ngọc trắng (cây xuân hoa), cũng thuộc loại cây bụi, phân nhiều cành, có chiều cao khoảng 1- 2m, lá mọc đối, hình mũi mác, đầu lá nhọn, thường xuyên xanh cả hai mặt. Cụm hoa mọc ở kẽ lá hoặc đầu cành có màu trắng pha tím. Khi nhấm, lá có dịch nhầy nhớt. Vị thuốc là lá của cây hoàn ngọc trắng. Hoàn ngọc trắng cũng mọc hoang và được trồng ở nhiều nơi để làm thuốc. Hoàn ngọc trắng cũng được dùng để trị các bệnh viêm nhiễm đường tiêu hóa, rối loạn tiêu hóa... Trên thực tế, hoàn ngọc trắng dùng trị viêm đại tràng thể nhiệt, tốt hơn như táo bón, đau bụng, trĩ xuất huyết. Có thể dùng lá tươi, rửa sạch, ăn sống hoặc sắc lấy nước uống, ngày 8 đến 10g. Để trị viêm loét dạ dày, tá tràng, xuất huyết đường tiêu hóa, trĩ nội, có thể dùng hoàn ngọc trắng, ngày 2 đến 3 lần, mỗi lần 8 đến 10g. Dùng liền 2 tuần lễ. Ngoài ra có thể dùng trị các vết thương khi té ngã bị chảy máu, tụ máu, lở loét... Ngoài ra có thể lấy lá tươi, rửa sạch, giã dập, đắp bó vào nơi bị đau. Hoàng Yến
Nhận xét
Đăng nhận xét