cây Hoàn ngọc dương theo dân gian gọi, có tên khác là Hoàn ngọc đỏ (vì ngọn, lá non và thân có màu đỏ tía), theo TSKH. Trần Công Khánh là cây Bán tự mốc, tên khoa học là Hemigraphis glaucescens C.B Clarke, họ Ô rô (Acanthaceae). Đây là cây bụi nhỏ, cao khoảng một mét hoặc hơn, sống nhiều năm, thân và cành mảnh, đường kính khoảng 2-4mm, phần gốc thân khoảng 7-10mm, thân non hơi vuông, màu đỏ tía, đốt dài 6-8cm, các mấu hơi phình to. Lá nguyên, nhẵn, mọc đối, mặt trên màu lục thẫm, mặt dưới màu xanh nhạt, phiến lá hình thoi hẹp. Các lá non ở ngọn có màu đỏ tía. Cụm hoa dạng bông dài 2-3cm, ở đầu cành… Cây Bán tự mốc mọc hoang và cũng được trồng nhiều nơi ở nước ta, từ Nam ra Bắc, từ đồng bằng đến miền núi.
Cây Bán tự mốc có các chất flavonoid (0,70 - 0,77%), tanin (0,84%), saponin, đường khử. Ngoài ra, còn có sterol và chất béo. Theo kinh nghiệm dân gian, phần trên mặt đất của cây dùng chữa viêm đại tràng cấp và mạn tính, rối loạn tiêu hoá, đau bụng co thắt, đầy chướng bụng, trĩ nội chảy máu, đại tiện ra máu, chảy máu do chấn thương. Có nơi dùng chữa viêm loét dạ dày (ở Thái Nguyên), hoặc chữa bệnh cao huyết áp (ở Hoà Bình). Lá có thể dùng tươi, hoặc cây khô sắc với nước rồi uống. Lá rửa sạch rồi nhai nuốt nước, nhả bã. Ngày ăn ba lần vào lúc đói, mỗi lần 20 lá. Dùng ngoài: Lá tươi giã nát, đắp vết thương rồi băng lại. Lá non được dùng ăn như rau sống để tăng vị hơi chua chát và phòng đầy bụng. Bán tự mốc chủ yếu được dùng trong dân gian, tránh nhầm lẫn với cây Xuân hoa.
Nhận xét
Đăng nhận xét