Chuyển đến nội dung chính

HÀ THỦ Ô ĐỎ (Radix Fallopiae multiflorae)

Còn gọi là cây giao đằng, dạ hợp, địa tinh. Rễ phình to thành củ. Củ là một vị thuốc bổ, chữa các bệnh thần kinh; làm đen râu, đen tóc.

1. Tên khoa học: Fallopia multiflora (Thunb.) Haraldson = Polygonum multiflorum Thunb.).
2. Họ:Rau răm (Polygonaceae).
3. Tên khác:Dạ hợp, giao đằng, thủ ô, địa tinh, khua lình (Thái), mằn năng ón (Tày), xạ ú sí (Dao)
4. Mô tả:
Cây: Dây leo, sống nhiều năm. Thân rễ phồng thành củ. Thân quấn, mọc xoắn vào nhau, mặt ngoài thân có màu xanh tía, nhẵn, có vân. Lá mọc so le, có cuống dài. Phiến lá hình tim, dài 4 - 8cm, rộng 2,5 - 5cm, đầu nhọn, mép nguyên hoặc hơi lượn sóng, cả hạị mặt đều nhẵn. Bẹ chìa mỏng, màu nâu nhạt, ôm lấy thân. Hoa tự chùm nhiều nhánh. Hoa nhỏ, đường kính 2mm, mọc cách xa nhau ở kẽ những lá bắc ngắn, mỏng. Bao hoa màu trắng, 8 nhụy (trong số đó có 3 nhụy hơi dài hơn). Bầu hoa có 3 cạnh, 3 vòi ngắn rời nhau. Đầu nhụy hình mào gà rủ xuống. Quả 3  góc, nhẵn bóng, đựng trong bao hoa còn lại, 3 bộ phận ngoài của bao hoa phát triển thành cánh rộng, mỏng, nguyên.
Dược liệu: Rễ củ hình tròn, dài, không đều, củ nhỏ để nguyên, củ to bổ đôi theo chiều dọc, hay chặt thành từng miếng to. Mặt ngoài có những chỗ lồi lõm do các nếp nhăn ăn sâu tạo thành. Mặt cắt ngang có lớp bần mỏng màu nâu sẫm, mô mềm vỏ màu đỏ hồng, có nhiều bột, ở giữa có ít lõi gỗ. Vị chát.
5. Phân bố:
Cây mọc hoang ở hầu hết các tỉnh miền núi từ Nghệ An trở ra, có nhiều ở Lai Châu, Sơn La, Lào Cai, Hà Giang, một số tỉnh khác như Cao Bằng, Lạng Sơn, Hoà Bình có số lượng ít hơn. Hiện nay, Hà thủ ô được trồng ở nhiều nơi vùng ở phía Bắc (Vĩnh Phú) và cả ở phía Nam, cây mọc tốt ở Lâm Đồng, Đắc Lắc, Phú Yên, Bình Định.
6. Trồng trọt:
Hà thủ ô đỏ là cây mọc hoang ở những vùng có khí hậu mát mẻ quanh năm. Nhiệt độ thích hợp 20-25oC. Ở miền núi, có năm nhiệt độ xuống thấp về mùa đông, cây vẫn tồn tại trong đất. Lượng mưa trung bình năm 1500-1800mm, pH = 5-6,5. Đất cao ráo, ẩm, thoát nước.
Thời vụ trồng vào mùa thu (tháng 8-9) và mùa xuân (tháng 2-3). Vụ sau tốt hơn vì có mưa xuân, độ ẩm thích hợp, nhiệt độ vừa phải, cây chóng nẩy mầm.
Chọn đất cao ráo, thoát nước, tơi xốp, nhiều mùn, giàu chất dinh dưỡng. đất được cày bừa hay cuốc để ải, vơ sạch cỏ và rễ cây, đánh luống cao 25-30cm, rộng 30-40cm, nếu trồng 1 hàng như khoai lang, hoặc 70-80cm nếu trồng 2 hàng.
Hà thủ ô đỏ là cây cho củ, nên cần nhiều tro mùn, phân chuongf mục có thể bón lót 20-30 tấn/ha, không nên trồng chay. Thành phần chủ yếu gồm lân, kali, còn phân đạm để bón thúc cùng với phân chuồng, nước giải pha loãng vào tháng 4,5,6.
Có thể trồng bằng củ đường kính 3-5cm. Đặt mầm củ vào từng hốc, trên luống sau khi đã bón phân lót, rồi vùi đất cho thật chặt, khoảng cách 30-35cm. Tưới nước.
Có thể trồng bằng dây. Lấy các đoạn dây bánh tẻ cso nhiều đốt, hay các đoạn thân sát mặt đất có nhiều mầm. Cắt từng đoạn dài 30-40cm, đặt xuống rạc luống như trồng khoai lang với khoảng cách 30-35cm. Sau đó lấp đất ấn chặt, chỉ độ 1/2-1/3 dây thò lên mặt đất. Cách trồng bằng dây phổ biến hơn trồng bằng củ vì hết ít vốn, vận chuyển dễ, chóng thu hoạch và hệ số nhân giống cao. Hà thủ ô đỏ là dây leo, cho nên phải làm giàn. Hàng tháng, cần làm cỏ, xáo xới cho đất thoáng, tơi xốp, kết hợp với bón thúc như nước phân, nước giải, phân đạm pha loãng. Bón vào các tháng khi cây đang đẻ nhánh và phát triển như 2 tháng tuổi, 3 tháng tuổi và 5 tháng tuổi.
Trồng Hà thủ ô đỏ khoảng 2-3 năm là có thể thu hoạch. Nếu để quá lâu nhất là ở đất ruộng, củ dễ bị thối hỏng.
7. Bộ phận dùng:
Rễ củ phơi hay sấy khô của cây Hà thủ ô đỏ (Fallopia multiflora (Thunb.) Haraldson).
8. Thu hái, chế biến:
Thu hoạch vào mùa thu, khi lá khô úa, đào lấy củ cắt bỏ hai đầu, rửa sạch, củ to cắt thành miếng, phơi hay sấy khô. Nếu đồ chín rồi phơi thì tốt hơn.
Thu hoạch cây mọc hoang vào mùa thu. Thu hoạch cây trồng vào mùa đông khi cây đã tàn lụi. Đào về rửa sạch, củ nhỏ để nguyên, củ to bổ ra, đồ rồi phơi hoặc sấy khô. Khi dùng nấu với nước đậu đen, có nhiều cách làm:
Đỗ đen giã nát cùng ngâm với hà thủ ô đã thái miếng trong một đêm, sáng ra đem đồ lên rồi phơi nắng, lại ngâm đỗ đen trong một đêm rồi lại đồ, phơi. Làm như vậy 9 lần (đông y gọi là cửu chưng cửu sái).
Củ hà thủ ô ngâm với nước vo gạo 24 giờ, rửa lại rồi cho vào nồi, cứ 10kg hà thủ ô, cho 100g đỗ đen và 2 lít nước. Nấu đến khi gần cạn, đảo luôn cho chín đều. Khi củ đã mềm, lấy ra bỏ lõi. Nếu còn nước đỗ đen thì tẩm phơi cho hết. Đồ, phơi được 9 lần là tốt nhất.
9. Thành phần hoá học:
Củ hà thủ ô chứa 1,7% anthraglycosid, trong đó có emodin, physcion, rhein, chrysophanol. 1,1% protid, 45,2% tinh bột, 3,1% lipid, 4,5% chất vô cơ, 26,45 các chất tan trong nước, lecitin, rhaponticin (rhapontin, ponticin).
Lúc chưa chế, hà thủ ô chứa 7,68% tanin, 0,25% dẫn chất anthraquinon tự do, 0,8058% dẫn chất anthraquinon toàn phần. Sau khi chế, còn 3,82% tanin, 0,1127% dẫn chất anthraquinon tự do, 0,2496% dẫn chất anthraquinon toàn phần.
10. Tác dụng dược lý:
10.1. Hà thủ ô có tác dụng hạ Cholesterol huyết thanh, được chứng minh rõ trên mô hình gây cholesterol cao ở thỏ nhà, thuốc còn có tác dụng làm giảm hấp thu cholesterol của ruột thỏ, theo tác giả, thuốc có thành phần hữu hiệu kết hợp với cholesterol (Tân y học, 5 - 6, 1972). Thuốc có tác dụng phòng chống và giảm nhẹ xơ cứng động mạch. Có thể tác dụng giảm xơ cứng động mạch và do thuốc có thành phần Lecithin (Tân y học, 5 - 6, 1972).
10.2. Thuốc làm chậm nhịp tim. Làm tăng nhẹ lưu lượng máu động mạch vành và bảo vệ được cơ tim thiếu máu.
10.3. Thuốc giữ được tuyến ức của chuột nhắt già không bị teo mà giữ được mức như lúc chuột còn non, tác dụng này có ý nghĩa chống lão hóa nhưng cơ chế còn cần nghiên cứu thêm.
10.4. Thuốc có tác dụng nhuận tràng do dẫn chất oxymethylanthraquinone làm tăng nhu động ruột (Trích yếu văn kiện nghiên cứu Trung dược - Nhà xuất bản Khoa học xuất bản 1965, trang 345 - 346). Hà thủ ô sống có tác dụng nhuận tràng mạnh hơn Hà thủ ô chín.
10.5. Tác dụng kháng khuẩn và virus: thuốc có tác dụng ức chế đối với trực khuẩn lao ở người và trực khuẩn lỵ Flexner. Thuốc có tác dụng ức chế virus cúm (Học báo Vi sinh vật 8,164, 1960).
11. Công năng:
Bổ huyết giữ tinh, hoà khí huyết, bổ can thận, mạnh gân xương, nhuận tràng.
12. Công dụng:
Bổ máu, chống viêm. Chữa thận suy, yếu gan; thần kinh suy nhược, ăn ngủ kém; sốt rét mạn tính, thiếu máu, ít sữa; các bệnh của phụ nữ sau khi đẻ, xích bạch đới; đau lưng, thấp khớp, di tinh, khí hư, đại tiện ra máu; đái buốt, đái dắt, đái ra máu (lao lâm); mẩn ngứa, bệnh ngoài da.
Uống lâu ngày chữa người già xơ cứng mạch máu não, huyết áp cao hoặc nam giới tinh yếu khó có con; chữa huyết hư máu nóng, tóc khô hay rụng, sớm bạc, hồi hộp chóng mặt, ù tai hoa mắt, lưng gối rũ mỏi, khô khát táo bón; điều kinh bổ huyết.
13. Cách dùng, liều lượng:
12-20g một ngày, dạng thuốc sắc, thuốc bột, rượu bổ. Trước khi dùng phải chế biến, phụ liệu chính là đậu đen.
14. Bài thuốc:
14.1. Chữa huyết hư máu nóng, tóc khô hay rụng, sớm bạc, và hồi hộp chóng mặt, ù tai, hoa mắt, lưng gối rũ mỏi, khô khát táo bón, dùng Hà thủ ô chế, Sinh địa, Huyền sâm, mỗi vị 20g sắc uống.
14.2. Chữa người già xơ cứng mạch máu, huyết áp cao hoặc nam giới tinh yếu khó có con, dùng Hà thủ ô 20g, Tầm gửi Dâu, Kỷ tử, Ngưu tất đều 16g sắc uống.
14.3. Bổ khí huyết, mạnh gân cốt, Hà thủ ô trắng và Hà thủ ô đỏ với lượng bằng nhau, ngâm nước vo gạo 3 đêm, sao khô tán nhỏ, luyện với mật làm viên to bằng hạt đậu xanh. Uống mỗi ngày 50 viên với rượu vào lúc đói.
14.4. Chữa đái dắt buốt, đái ra máu (Bệnh lao lâm), dùng lá Hà thủ ô, lá Huyết dụ bằng nhau sắc rồi hoà thêm mật vào uống.
14.5. Điều kinh bổ huyết: Hà thủ ô (rễ, lá) 1 rổ lớn, Đậu đen 1/2kg. Hai thứ giã nát, đổ ngập nước, nấu nhừ, lấy vải mỏng lọc nước cốt, nấu thành cao, thêm 1/2 lít mật ong, nấu lại thành cao, để trong thố đậy kín, mỗi lần dùng 1 muỗng canh, dùng được lâu mới công hiệu.
Kiêng kỵ:Uống Hà thủ ô thì kiêng ăn hành, tỏi, cải củ. Đối với người có áp huyết thấp và đường huyết thấp thì kiêng dùng.
Ghi chú: Hà thủ ô trắng là rễ củ của cây Hà thủ ô trắng, còn gọi là Dây sữa bò (Streptocaulon juventas Merr.), họ Thiên lý (Asclepiadaceae). Cây mọc hoang khắp nơi trong nước ta. Các lương y dùng Hà thủ ô trắng làm thuốc bổ máu, bổ can thận

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Phân biệt : khoai nước- khoai sọ - dọc mùng - môn bạc hà - Ráy voi....

KHOAI NƯỚC Khoai nước, Môn nước - Colocasia esculenta Schott,  Chi Colocasia - Khoai nước, Khoai môn,  Họ Araceae - ráy, khoai môn, khoai nước, thiên nam tinh,  bộ Alismatales Trạch tả Mô tả:  Khoai nước và Khoai sọ cùng loài nhưng khác thứ: +   Khoai nước - Colocasia esacuenta Schott  trồng nước + Khoai sọ - Colocasia esacuenta  var.  antiquorum  trồng khô.  Cây thảo mọc hoang và được trồng, có củ ở gốc thân hình khối tròn. Lá có cuống cao đến 0,8m; phiến dạng tim, màu lục sẫm nhiều hay ít, tím hay nâu tuỳ giống trồng, gân nổi rõ. Mo vàng có phần ống xanh, đầu nhọn. Trục bông mo mang hoa đực và hoa cái, hoa cái có bầu nhiều noãn. Quả mọng vàng khi chín to 3-4mm. Nơi mọc:   Loài được trồng nhiều ở nước ta và các xứ nhiệt đới để lấy củ ăn. Công dụng:  Ta thường dùng củ nấu ăn với xôi hay nấu chè, làm bánh. Cuống lá cũng thường dùng làm rau ăn nhưng phải xát hoặc ngâm với muối để khỏi ngứa. Cũng dùng muối dưa ăn. Củ tươi giã nhỏ dùng đắp trị mụn nhọt có mủ. Dùng ngoài giã nhỏ t

Các loài chim ở Việt Nam

Tên Việt Nam Cu rốc đầu vàng Golden-throated Barbet Tên Khoa Học Megalaima franklinii Tên Việt Nam Gõ kiến vàng lớn Tên Khoa Học Chrysocolaptes lucidus Tên Việt Nam Chim manh Vân Nam Tên Khoa Học Anthus hodgsoni Tên Việt Nam Phường chèo lớn (Hồng Tước) Tên Khoa Học Coracina macei Tên Việt Nam Chim Uyên Ương (Hồng Tước Nhỏ Dalat) Tên Khoa Học Campephagidae tên Việt Nam Chim Ngũ Sắc (Silver-eared Mesia) Tên Khoa Học Leiothrix argentauris Tên Việt Nam Mi lang biang Tên Khoa Học Crocias langbianis King, Tên Việt Nam Khướu mào bụng trắng Tên Khoa Học Yuhina zantholeuca Tên Việt Nam Khướu mỏ dẹt đầu xám Tên Khoa Học Paradoxornis gularis Tên Việt Nam Khướu mỏ dẹt đầu xám Tên Khoa Học Paradoxornis gularis Tên Việt Nam Bạc má họng đen ( Black-throated Tit ) Tên Khoa Học Aegithalos concinnus Tên Việt Nam Bạc má bụng vàng Tên Khoa Học Parus monticolus Tên Việt Nam Bạc má rừng hay bạc má mày vàng Tên Khoa Học Sylviparus modestus Tên Việt Nam Trèo cây huyệt h

Tổng hợp các loại đậu

Các loại quả đậu ăn cả vỏ lẫn ruột khi chưa chín Đậu rồng – Đậu khế – Đậu xương rồng – Đậu cánh – Winged bean – Winged pea – Goa bean – Asparagus pea – Four-angled bean. Đậu rồng  còn gọi là đậu khế hay đậu xương rồng, đậu cánh (danh pháp hai phần: Psophocarpus tetragonolobus) là một loài cây thuộc họ Đậu (Fabaceae)  Đậu que – Green bean – String bean – Snap bean. Đậu que   là một tên gọi thường dùng ở Việt Nam để chỉ các loại đậu có dạng quả có đặc điểm dài và ốm, như: Đậu đũa , tên khoa học  Vigna unguiculata sesquipedalis , một loại đậu thuộc  chi Đậu  ( Vigna ),  họ Đậu . Đậu cô ve , tên khoa học  Phaseolus vulgaris , một loại đậu thuộc  chi Đậu cô ve  ( Phaseolus ),  họ Đậu . Đậu cô ve – Đậu a ri cô ve – French beans, French green beans, French filet bean (english) – Haricots verts (french): được trồng ở Đà Lạt. Đậu que ,  đậu ve  hay  đậu cô ve , còn gọi là: đậu a ri cô ve do biến âm từ  tiếng Pháp :  haricot vert , danh pháp khoa học Phaseolus vulgaris , là một giống  đ