Trạch quạch
Trạch quạch, Hải hồng đậu - Adenanthera Pavonina L., var. pavonina, thuộc họ Ðậu - Fabaceae.
Mô tả: Cây gỗ cao tới 20m. Lá kép hai lần; cuống chung to, dài tới 40cm hay hơn, với 2-6 cặp cuống lá bậc nhất, mang 6 đôi lá chét với lá tận cùng, không đều nhau, màu nhạt và có lông nằm ở dưới. Hoa vàng họp thành bông, xếp thành chùm ở nách lá, dài 15-25cm. Quả dạng cầu, dài 15-20cm, hạt tròn, đỏ, bóng loáng, có rốn đen đường kính 7mm.
Hoa tháng 6-7, quả tháng 8-9.
Bộ phận dùng: Hạt - Semen Adenantherae Pavoninae: Rễ và lá cũng được dùng.
Nơi sống và thu hái: Loài được trồng ở các xứ nhiệt đới và mọc hoang ở Ấn Độ tới Xri Lanca và Mianma. Ở nước ta, cây được trồng và phát tán tới độ cao 900m, từ Quảng Ninh đến Kiên Giang. Người ta thu hái quả chín, tách lấy hạt, phơi khô.
Thành phần hoá học: Hạt chứa 28% dầu, HCN - glucosid, acid lignoceric. Lá chứa alcaloid.
Công dụng, chỉ định và phối hợp: Ở Ấn Độ và Malaixia, nước sắc lá dùng trị thấp khớp mạn tính, thống phong, đái ra máu. Gỗ được dùng sắc uống làm tăng lực. Hạt dùng chữa nhọt, viêm.
Ở Java, nhân hạt được dùng ăn. Hạt nghiền ra, được dùng đắp làm mưng mủ mụn nhọt, chống đau nửa đầu, thấp khớp.
Ở Thái Lan, cũng được dùng trị vết thương nhiễm trùng và áp xe.
Nhận xét
Đăng nhận xét