Cây lá ngón Gelsemium elegans mọc ở ven đường
(biodivn.blogspot.com) Cây lá ngón có tên khoa học là Gelsemium elegans được mô tả trong bài này mang ý nghĩa độc dược. Sở dĩ phải nhấn mạnh như vậy vì có nhiều thông tin rằng nó có thể sử dụng làm thuốc chữa một số bệnh. Tuy nhiên ở Việt Nam chúng được dùng như một loại độc dược.
Danh pháp khoa học:
- Tên Khoa học: Gelsemium elegans (Gardner & Chapm.) Benth.
- Đồng danh: Gelsemium sumatranum Leptopteris sumatrana Medicia elegans
- Tên Thường gọi: Lá ngón, Thuốc rút ruột, Co ngón (Lạng Sơn), Hồ mạn trường đại trà đằng, Hộ mạn đằng, Hoàng đằng, Câu vẫn, Đoạn trường thảo, Yellow jessamine
- Chi: Gelsemium
- Họ: Gelsemiaceae
- Bộ: Gentianales
- Lớp: 2 lá mầm Magnoliopsida
- Ngành: hạt kín Magnoliophyta
- Giới: Thực vật Plantae
Cành lá ngón mang hoa Gelsemium elegans
Mô tả: (Tiểu mộc) Dây leo cao 10-12 m, không lông; thân có sọc dọc. Lá mọc đối, có phiến thon rộng, hình trứng hay hơi hình mác, chót lá nhọn dài, như giấy, mép nguyên, bóng nhẵn, dài 7-12 cm, rộng 2,5-5,5 cm, gân phụ 4-7 cặp; cuống 6-10 mm. Hoa xim ở đầu cành hay ở nách lá, phân 3 lần, hoa vàng, dài 1 cm; lá đài 5, rời; ống vành 6-9 mm, tai 5-6 mm; tiểu nhuỵ 5, gắn giữa ống vành; noãn sào không lông, vòi nhuỵ 1 nuốm. Quả nang, huỷ ngăn ra làm hai mảnh; hột 20-40, có cánh mỏng.
Sinh thái: Mọc ven rừng, đường mòn, độ cao 200-2000 m so với mực nước biển. Mùa hoa tháng 6-10
Phân bố: các tỉnh miền núi như Hoà Bình, Hà Tây, Lào Cai, Cao Bằng, Tuyên Quang, Hà Giang... Ngoài ra chúng còn có ở các vùng nhiệt đới và á nhiệt đới châu Á như Trung Quốc. Ở Bắc Mỹ có loài Gelsemium sempervirens.
Thành phần độc tố: trong lá và rễ của cây lá ngón chứa 4 ancaloit là: gelsemin, gelsemixin, kumin và kuminin đều là những độc tố rất mạnh.
Tác dụng độc: tác dụng độc của lá ngón không đặc hiệu trên hệ thống thần kinh, gây lên co giật và chết do ngừng hô hấp trọng một trạng thái thiếu ô xi rõ rệt.
Sử dụng: Ở Việt Nam không sử dụng loài này làm thuốc, chỉ sử dụng nó như một dạng đầu độc. Ở Trung Quốc và Bắc Mỹ có sử dụng rễ để chữa bệnh hủi, nấm tóc, động kinh, giảm đau và đầu độc, nhưng cũng rất ít dùng.
Ghi chú: Lá ngón là loại cây cực kỳ độc, do đó sử dụng vì mục đích làm thuốc chữa bệnh phải hết sức cẩn thận, và phải có cơ sở khoa học cụ thể. Người ta nói ăn 3 lá là đủ chết người, nhưng một số nghiên cứu cho rằng không đến mức độc đến như vậy. Tuy nhiên cũng không nên dại dột mà thử.
Nhầm lẫn:
1. Ở nước ta còn gọi một cây khác là cây lá ngón. Thực chất cây lá ngón nói trên là loại độc nhất. Cây này có tên là cây Cơi Pterocarya tonkinensis Dode. (hay Pterocarya stenoptera var. tonkinensis ) Họ: Hồ đào Juglandaceae.
Cây Cơi Pterocarya tonkinensis. Ảnh http://vietnamplants.blogspot.com/
Là Cây gỗ cao 20 - 25m, đường kính 50 - 70cm. Vỏ màu nâu có vết sẫm. Lá kép lông chim, 3 - 6 đôi lá nhỏ mọc đối hay gần đối, mép lá có răng cưa nhỏ, đuôi hơi lệch. Lá phía dưới dài 3 - 4 cm, rộng 1,5 cm, lá phía trên dài 17 cm, rộng 6 cm, mặt dưới ít có lông.Cụm hoa bông đuôi sóc, nhiều hoa. Lá bắc nhỏ không phát triển có thể nhìn thấy rõ ở gốc hoa. Bao hoa phân thuỳ ở bên. Bầu 2, tròn, rồi kéo ra thành cánh về phía đỉnh. Quả tập trung dài tới 45cm. Quả có 2 cánh.
Phân bố khắp miền Bắc, Trung và Lào. Nhân dân thường dùng lá giã nát lấy nước để duốc cá, có khi dùng lá nấu nước nhuộm màu nâu kaki (chưa thấy tài liệu nào nghiên cứu).
2. Kim ngân: Thực ra rất ít người nhầm lẫn cây này, tuy nhiên nếu chỉ đọc mô tả thì rất dễ nhẫm lẫn bởi chúng có chung đặc điểm: dây leo, lá mọc đối, hoa vàng, mọc ven rừng...
Kim ngân Lonicera japonica. Ảnh http://donga01.blogspot.com/
Kim ngân có tên khoa học Lonicera japonica Thunb. thuộc họ Caprifoliaceae. Kim ngân là loại dây leo, thân to bằng chiếc đũa dài tới 9-10m, có nhiều cành, lúc non màu xanh, khi già màu đỏ nâu. Lá hình trứng, mọc đối, phiến lá rộng 1,5-5cm dài 3-8cm. Lá cây quanh năm xanh tươi, mùa rét không rụng do đó còn có tên là nhẫn đông (chịu đựng mùa đông). Hoa mẫu 5 mọc thành xim 2 hoa ở kẽ lá. Hoa thơm khi mới nở có màu trắng, về sau chuyển thành vàng. Vì trên cây cùng có hoa trắng và hoa vàng nên mới gọi là kim ngân. Tràng hoa cánh hợp dài 2-3cm chia làm 2 môi dài không đều nhau, một môi rộng lại chia thành 4 thuỳ nhỏ. Năm nhị đính ở họng tràng, mọc thò ra ngoài. Quả mọng hình cầu màu đen.
Kim ngân là một vị thuốc kinh nghiệm trong nhân dân, dùng chữa mụn nhọt, rôm sảy, lên đậu, lên sởi, tả lỵ, giang mai. Một số nơi nhân dân dùng pha nước uống thay chè (biodivn.blogspot.com).
Nhận xét
Đăng nhận xét