Sự ra đời của cơ sở chế biến tinh
dầu từ nguyên liệu cây dó bầu của Cơ sở sản xuất, chế biến dầu trầm của
chị Nguyễn Thị Ngọc (ở khối 7 thị trấn Núi Thành, huyện Núi Thành, Quảng
Nam) mỗi năm góp phần tiêu thụ hàng triệu cây dó của vùng đất Quảng
Nam.
Vườn ươm cây dó bầu của Cơ sở chị Hồng Ngọc.
Theo lời chị Ngọc, doanh nghiệp Hồng Ngọc sẽ ký hợp
đồng với nông dân trồng dó; cây đến tuổi khai thác, sẽ mua với giá
10.000 đồng/kg. Chị là người mở lối cho một làng nghề thủ công mới đầy
tiềm năng trên đất Quảng.
Không dừng lại ở “sân chơi nhà”, chị Ngọc mở rộng đặt
hàng với nông dân Hà Tĩnh để bao tiêu toàn bộ cây dó. Hiện, chị đang sở
hữu hàng chục hecta dó 1-2 tuổi và một làng nghề chế biến tinh dầu trầm
giá trị hàng tỷ đồng.
Chị Ngọc kể rằng, những năm 70 của thế kỷ trước, miền
núi Tam Sơn của huyện Núi Thành heo hút, cách trở. Cây dó thời đó chưa
có giá, không ít người phải chặt làm củi, thậm chí người tạo được trầm
cũng không nhiều.
Cũng thời điểm này, huyện Trà My (cũ), người dân bắt
đầu phất lên bằng nghề trầm hương. Chị Ngọc dành dụm một ít vốn, đón xe
ngược lên vùng cao Quảng Nam với những chuyến buôn lẻ đầu tiên. Chưa
quen địa bàn, vốn lại ít, chị chỉ buôn bán lẻ tẻ để mưu sinh. Rồi nghe
phong thanh ở trong Phú Khánh, người ta đã chiết xuất thành công tinh
dầu từ dó trầm, chị Ngọc quyết định khăn gói vào học nghề. Hành trang
mang theo là ba cây dó bầu mà chị mua với giá 2 triệu đồng. “Đến khi
ngồi lên xe, mình mới giật mình, vì trong ví chỉ vừa đủ tiền cho hai
chuyến xe đi - về. May nhờ người quen giúp đỡ, chỉ lối, mình đã học
nhiều kinh nghiệm quý về chiết xuất tinh dầu cây dó ở nơi đất khách”-
chị Ngọc nhớ lại. Từ buôn lẻ cây dó để đắp đổi bữa ăn qua ngày, chị đã
biến nó thành một loại cây mang lại giá trị kinh tế cao, đồng thời ươm
mầm cho một làng nghề thủ công.
Năm 2005, chị Ngọc xây dựng cơ sở chế biến tinh dầu dó
trầm với 60 nồi chưng cất, đầu tư hơn 3,5 tỷ đồng. Thân cây dó ngoài
việc chế tác các sản phẩm mỹ nghệ cao cấp còn dùng tinh chiết thành dầu.
Toàn bộ quy trình nấu, chiết xuất đều thực hiện thủ công.
Theo chị Ngọc thì, khoảng 2-3 tấn dó đưa vào nấu sẽ cho
ra khoảng 1 lít dầu. 1 lít dầu hiện nay có giá dao động 8.000-10.000
USD. Tinh dầu dó trầm Doanh nghiệp Hồng Ngọc dần được giới kinh doanh
nghe tiếng, tìm đến. Tiếng lành đồn xa, nhiều khách hàng ở Trung Quốc,
Nhật Bản, Singapore, Ai Cập… liên tiếp đặt hàng, nhiều lúc sản xuất
không kịp bán. Để không bị động trong khâu tìm kiếm nguyên liệu, năm
2005, chị Ngọc đã ký nhiều hợp đồng với các đối tác ở Hà Tĩnh. Chẳng hạn
như, thỏa thuận với Công ty Vạn Thành, thị trấn Hương Sơn, cấy tạo trầm
10.000 cây dó (5ha); hợp đồng với Công ty Cao su Hà Tĩnh nhận cấy
15.000 cây dó (20ha) và hiện Doanh nghiệp Hồng Ngọc đang tận thu khai
thác dó. Chị Ngọc tự tin nói: “Không còn nghi ngờ về hiệu quả kinh tế mà
cây dó bầu đem lại. Giá trị cao gấp nhiều lần so với các cây nguyên
liệu khác như bạch đàn, keo lá tràm… Người dân cứ mạnh dạn trồng, tốt
hơn nên liên kết các nhóm hộ để trồng. Doanh nghiệp sẽ ký hợp đồng tạo
trầm, đến tuổi khai thác sẽ mua 10.000 đồng/kg”. Thử làm một phép tính
đơn giản: bình quân 1ha trồng 2.500 cây dó, sau 7 năm thu hoạch, cây còi
cọc nhất cũng cho 100 ký, tương đương 1 triệu đồng, 1ha tối thiểu thu
2,5 tỷ đồng.
Không chỉ làm ăn trong nước, gần đây, cơ sở Hồng Ngọc
còn đến tận bản Nỏng Bua, huyện Phôn Hông (Viêng Chăn - Lào) để cấy tạo
trầm 10.000 cây dó (trị giá 250.000 USD) cho Công ty Phát triển lâm
sinh. Ăn nên làm ra, chị tiếp tục mở rộng cơ sở kinh doanh, hợp đồng với
nhiều hộ nông dân trồng dó. Doanh nghiệp Hồng Ngọc đặt mua toàn bộ dầu
chế biến thô, cũng như các dăm gỗ từ cây dó ở làng nghề mỹ nghệ trầm
hương Trung Phước, xã Quế Trung. Ngoài ra, cơ sở này còn giải quyết cho
40-50 lao động tại địa phương, bình quân thu nhập mỗi tháng 1,6 triệu
đồng/người.
Theo chị Ngọc, Quảng Nam đất rộng, có đầy đủ điều kiện
tự nhiên để phát triển mạnh cây dó bầu. Vùng cao cần trồng loại cây này.
Nếu tỉnh có tầm nhìn xa, sẽ giải quyết được bài toán hóc búa nên trồng
cây gì. Vấn đề ở chỗ, nông dân cần liên kết các nhóm hộ lại với nhau,
nhằm tránh tình trạng trồng manh mún, theo kiểu mạnh ai nấy làm.
Nhận xét
Đăng nhận xét