TP - Là một sản phẩm truyền thống
được chế biến theo phương pháp chưng cất rượu cổ truyền, nay được áp
dụng công nghệ kỹ thuật trong lọc, khử tạp chất để đạt chất lượng tối
ưu, rượu gạo Thủy Dương, thị xã Hương Thuỷ - Thừa Thiên Huế, đang là sản
phẩm có uy tín và được ưa chuộng.
Dịp Tết Nguyên đán, rượu gạo Thủy Dương dù hoạt động
hết công suất nhưng vẫn “cháy” hàng. “Mình phải từ chối khéo khách hàng
vì lượng cầu quá lớn không đủ cung ứng” – Chị Phạm Thị Khánh Tâm, chủ cơ
sở sản xuất rượu gạo Thủy Dương, cho biết.
Theo chị bí quyết để tạo nên thương hiệu cho rượu gạo
Thủy Dương đó là sự vận dụng một cách sáng tạo công nghệ vào sản xuất
nhưng không làm mất đi hương vị truyền thống của một đặc sản đã tồn tại
lâu đời trên đất cố đô. Từ khâu chọn nguyên liệu đến cách chưng cất, lão
hóa rượu đều tiến hành theo phương pháp truyền thống. Việc nghiên cứu
vị trí địa lý, thổ nhưỡng cũng phải được nghiên cứu kĩ lưỡng để đảm bảo
chất lượng, rượu mang vị đặc trưng của xứ Huế thơm, ngọt, béo – Chị Tâm
nói.
Chị Khánh Tâm bên những mẫu mã mới đáp ứng thị hiếu thẩm mỹ của khách hàng. Ảnh: H. Văn |
Cách đây 5 năm, sở sản xuất Thủy Dương ra đời với mong
muốn gây dựng lại thương hiệu rượu, một nghề truyền thống có nguy cơ mai
một. Đam mê, tâm huyết cộng với vốn kiến thức tích lũy được, cô gái 8X
này quyết định rời TPHCM trở về lập nghiệp ngay trên mảnh đất quê hương
bằng nghề truyền thống của ông cha để lại. Đây cũng là cơ sở sản xuất
rượu gạo đầu tiên trên mảnh đất cố đô có truyền thống nấu rượu lâu đời.
Ưu điểm rượu gạo Thủy Dương là không chỉ ngon mà giá rẻ
hơn so với các loại rượu khác. Mẫu mã cũng có nét độc đáo riêng. Rượu
đóng chai mang biểu tượng của xứ Huế, và nậm rượu dáng hồ lô nhiều năm
nay đã trở thành món quà lưu niệm được nhiều khách hàng lựa chọn.
Đăng kí sản phẩm độc quyền năm 2006, rượu gạo Thủy
Dương có mặt trong hội chợ trong nước và quốc tế. “Với ưu điểm vượt trội
được kiểm chứng qua thái độ hưởng ứng nhiệt tình của khách hàng, rượu
gạo làng Thủy Dương hoàn toàn có cơ hội vươn ra thị trường quốc tế. Song
cái tạo nên thương hiệu chính là chất lượng chứ không thể chạy theo số
lượng. Mình muốn sản phẩm của mình thực sự uy tín để đại diện cho một
quốc gia khi cạnh tranh với các sản phẩm rượu ngoại quốc”– Chị Tâm khẳng
định.
Để đảm bảo chất lượng và cung ứng sản phẩm cho thị trường, và tạo việc làm tại chỗ cho người dân địa phương, chị Tâm hợp đồng chu cấp và chuyển giao công nghệ cho hơn 100 hộ chưng cất rượu tại các làng nghề rượu truyền thống. Hiện có 40 công nhân làm việc trực tiếp tại cơ sở sản xuất với mức lương giao động từ 1,5 – 4,5 triệu đồng/tháng. |
Hoài Văn – Ksor
Nhận xét
Đăng nhận xét