TP - Cây bơ được du nhập vào Tây
Nguyên từ những năm 1940, và phát triển mạnh do phù hợp khí hậu thổ
nhưỡng. Tuy nhiên, do ít có giống tốt lại nhiều sâu bệnh, chính người
trồng cũng hiếm khi được thưởng thức bơ ngon.
Mùa bơ rộ, đi đâu cũng thấy bơ, giá bán quá rẻ chỉ vài
trăm đồng/ ký chẳng bõ công trèo cây hái quả, nhiều nơi bơ trở thành
loại thực phẩm vỗ béo gia súc, thậm chí bỏ mặc chín rụng tự do thành
phân xanh tăng độ mùn cho đất. Có lúc bơ bị chặt bỏ hàng loạt để trồng
loại cây ăn trái khác hiệu quả hơn.
Năm 1999, với sự hỗ trợ của PAO (tổ chức Liên Hiệp quốc
chuyên về chống đói nghèo và đảm bảo an ninh lương thực), Chính phủ
Việt Nam chọn bơ là 1 trong 7 loại giống cây-con ưu tiên phát triển và
nhân rộng. Trái bơ ngoài hương vị đậm đà, béo thơm khoái khẩu còn là
loại quả “siêu sao” về dinh dưỡng, vì có đến 14 loại vitamin và khoáng
chất, hàm lượng protein cao nhất trong các loại trái cây, giàu
carotenoid tự nhiên giúp sáng mắt và duy trì làn da đẹp, giàu chất chống
ôxy hoá có thể giúp giảm nguy cơ mắc các chứng ung thư, đục thuỷ tinh
thể, gây lão hoá da.
Bốn mùa bơ đều ra quả tươi ngon tại vườn anh Trịnh Xuân Mười. |
Năm 2006, tổ chức Hỗ trợ phát triển Quốc tế (GTZ) của
Cộng hoà Liên bang Đức đánh giá cây bơ là loại cây ăn trái rất quý,
khuyến cáo phát triển và nâng cao giá trị trái bơ. Nhận thấy cơ hội, Sở
Khoa học công nghệ Đắk Lắk phối hợp với một đơn vị được GTZ uỷ quyền xây
dựng thương hiệu DAKADO ( ghép từ tên Đắk Lắk và Avacado – tên quốc tế
của bơ), mời các nhà vườn, chủ vựa trái cây đến dự lớp tập huấn nâng cao
chất lượng bơ.
Có thêm kiến thức qua tập huấn và có động lực hỗ trợ,
một chủ vựa bơ là Thu Nhơn và một chủ vườn bơ là Trịnh Xuân Mười có sản
phẩm sạch, chất lượng tốt đã tiến hành đăng ký nhãn hiệu bơ độc quyền.
Tháng 7-2008, thành phố Buôn Ma Thuột lần đầu tiên mở
ngày hội trái bơ, người dân và du khách ai cũng bất ngờ khi được thưởng
thức các món ăn chế biến từ bơ như : salát bơ, bơ trộn sữa, cà phê bơ …
do vựa bơ Thu Nhơn chế biến. Kết thúc ngày hội, vựa bơ Thu Nhơn được
giao thực hiện dự án SME-GTZ tại tỉnh Đắk Lắk. Từ đây, những chủ vườn
nhận đầu tư giống, kỹ thuật chăm bón, thu hoạch đúng kỹ thuật đều được
thu mua bơ với giá cao, được mời tham dự các hội chợ, có sản phẩm đóng
gói bán qua hệ thống siêu thị Metro, COOp.mart và toàn quốc.
Du khách đến Tây Nguyên thường thích mua trái bơ đem
về. Trước kia yêu cầu này thường chỉ được đáp ứng trong mùa hè, nay thì
quả bơ tươi ngon có trên các sạp chợ quanh năm, nhờ một số nhà vườn đã
chiết ghép thành công giống bơ tứ quý. Bơ ngon chính vụ giá từ 10-20
nghìn/ ký. Bơ ngon trái vụ giá mỗi ký lên đến 50-70 nghìn đồng. Cây bơ
ra trái ngon suốt 4 mùa được nhân giống nhiều nhất trên địa bàn tỉnh Đắk
Lắk là cây bơ “Tổ” không rõ bao nhiêu năm tuổi, gốc lớn tới 2 vòng tay
người ôm tại vườn anh Nguyễn Ngọc Đức ở thôn 7 xã Ea Tiêu huyện Cư Kuin.
Trải bao thăng trầm, ngày nay bơ đã đưa lên hàng đặc
sản trân quý, không chỉ là loại trái cây giàu dinh dưỡng trong gia đình
mà còn là quà tặng đặc sản, và món được ưa chuộng trong thực đơn các
hãng hàng không, các nhà hàng sang trọng.
Dự án GTZ kết thúc. Các chuyên gia theo dõi hiệu quả
của dự án này đã tác động để Ngân hàng thế giới quyết định hỗ trợ 8,53
triệu USD triển khai tiếp Dự án Cạnh tranh Nông nghiệp ở Đắk Lắk, nhằm
phát triển những loại nông sản đem lại lợi nhuận cao cho nông dân ,
trong đó có cây bơ, cà phê và heo rừng nuôi. Theo khảo sát dự án, tổng
diện tích bơ quy đông đặc gần 2.700 ha và sản lượng trên 40.000 tấn/năm
hiện nay sẽ đem lại cho Đắk Lắk nguồn lợi mỗi năm khoảng 7 triệu USD.
Nhận xét
Đăng nhận xét