Cây rẻ quạt |
Ngoài biện pháp dùng tân dược, chúng ta có thể vận dụng các loại cây trái thiên nhiên trong vườn nhà để điều trị bệnh, nếu có kết quả thì rất hay, hạn chế được tác dụng phụ do thuốc.
Vài chục năm trước đây, cây rẻ quạt được nhiều người xem như một loại thuốc kháng sinh đặc hiệu cho tất cả các nhóm bệnh viêm nhiễm ở đường hô hấp trên như: viêm a mi đan mãn và cấp tính, viêm thanh quản, viêm họng hạt, ngứa cổ, phát âm khàn tiếng, ăn uống nuốt đau họng, cảm cúm, ho, sổ mũi...
Củ, rễ, lá của cây rẻ quạt sau khi phơi khô gọi là xạ can. Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, có nhiều người bị viêm nhiễm đường hô hấp trên, đặc biệt là viêm họng hạt mãn tính đã dùng vị thuốc của cây rẻ quạt để trị rất hay. Cụ thể, người ta dùng rễ cây rẻ quạt đem phơi khô rồi dùng nó nhai với chút muối ăn để sát trùng vòm họng. Làm vài ba lần như thế thì khỏi bệnh.
Hoặc dùng lá rẻ quạt còn tươi (có thể dùng củ) đem phơi khô, rồi lấy độ 5-6 gr đem sắc (nấu) lấy nước uống nhiều lần trong ngày. Có thể dùng kết hợp với 1 gr cam thảo, 1-2 củ sâm đại hành tươi, 1-2 lá mạch môn đem sắc chung để lấy nước dùng hết trong ngày.
Cũng có trường hợp bị viêm a mi đan, dùng cây rẻ quạt bằng cách: lấy 10 lá rẻ quạt tươi cho cùng một ít muối ăn giã nhuyễn, rồi cho vào 100 ml nước chín, trộn đều rồi dùng nước này ngậm vào buổi sáng và tối để súc họng (súc xong bỏ nước chứ không nuốt). Làm như vậy trong một tuần thì có người khỏi bệnh.
Theo y học cổ truyền, cây rẻ quạt có công dụng làm long đàm (loãng đàm), nhất là những trường hợp viêm nhiễm đường hô hấp trên bị tái phát do thời tiết, đặc biệt là vào mùa lạnh. Tuy nhiên, cần lưu ý, không dùng cây rẻ quạt với phụ nữ đang mang thai, người cho con bú. Không lạm dụng quá nhiều việc nhai lá sẽ dẫn đến phồng rộp niêm mạc miệng.
Nhận xét
Đăng nhận xét