Ở Việt nam, thàn mát là tên gọi chung cho trên 20 loài thuộc chi Millettia, họ đậu (Fabaceae), chúng hiện hữu hầu khắp ba miền của đất nước. Những cây thàn mát ở đường Lê Quý Đôn, Huế thường được gọi là thàn mát thuốc cá, hay còn được gọi là cây duốc cá, tên khoa học là Millettia ichthyotona. Đây là loài ít được chọn làm cây bóng mát đường phố, chủ yếu là gây trồng để lấy hạt đánh cá. Ở vài nơi trong thành phố Hà Nội có trồng cây thàn mát để tạo bóng và làm cảnh, đến mùa hoa, vòm tán của những cây trưởng thành trắng xóa cả một góc trời, nhiều du khách đã nhầm lẫn cây sưa. Ở nhiều cơ sở nuôi tôm, trước khi thả tôm giống xuống hồ, chủ hồ chọn hạt thàn mát làm vật liệu trừ khử nguồn cá tự nhiên để đảm bảo cho tôm giống thả vào hồ khỏi thất thoát. Ngoài tác dụng đánh cá, nhiều nơi còn dùng hạt thàn mát làm thuốc trừ sâu. Một số tài liệu cho rằng hạt được tán nhỏ, pha thêm nước để phun diệt chấy, rận, trị ghẻ hoặc nấu thành cao đặc rồi chế thành thuốc mỡ bôi ngoài da để chữa ghẻ. Ở Vân Nam, Trung Quốc người ta còn dùng rễ và vỏ thân nấu nước rửa các vết lở loét, trị mụn lở, mẩn ngứa, nấm da.
Thàn mát thuốc cá thường được gặp phổ biến ở nhiều tỉnh thuộc miền Trung và miền Bắc nước ta. Chúng thường mọc ở những nơi đất ẩm, ven sông suối cỏ đủ ánh sáng, ven các thôn bản miền núi, ven cửa rừng. Do hạt có thể phát tán theo dòng nước nên thỉnh thoảng có thể bắt gặp cây thàn mát thuốc cá ven các bờ sông, bờ kênh của vùng đồng bằng.
Nhận xét
Đăng nhận xét