Cây Ba Gạc
Tên đồng nghĩa: Rauvolfia chinensis (Hance) Hemsl., 1889
Tên khác: Ba gạc lá vòng, tích tiên (vùng Ba Vì – Hà Tây); sam tô, lạc toọc (Tày); cơn đồ (Mường), la phu mộc
Họ: Trúc đào - Apocynaceae
1. Đặc điểm hình thái
Cây bụi, sống lâu năm, cao 1 – 2 m. Rễ cọc cắm sâu xuống đất. Thân hình trụ, nhẵn, có nốt sần nhỏ, màu lục sau chuyển màu xám. Cành non dẹt, có khía dọc, sau tròn, màu xám. Lá mọc vòng 3, có cuống ngắn, đôi khi 4 hoặc mọc đối, phiến hình mác, dài 6 – 11 cm, rộng 1,5 – 3 cm, gốc thuôn, đầu nhọn.
Cụm hoa mọc ở gần ngọn thành xim dạng tán kép, dài 4 – 7 cm. Hoa nhỏ màu trắng; 5 lá đài rất nhỏ; 5 cánh hoa hình mắt chim hợp thành ống hẹp hơi cong, phình lên ở phía giữa; 5 nhị đính ở bên trong chỗ phình của ồng tràng; bầu 2 ô.
Quả hạch đôi, hình trứng, màu tím đen khi chín; hạt nhỏ, có vỏ cứng, có vân nhăn.
Toàn cây có nhựa mủ trắng.
2. Đặc điểm sinh thái
Ba gạc là cây ưa sáng, hơi chịu bóng, nhất là khi còn nhỏ; thường mọc lẫn với các cây bụi nhỏ khác ở ven rừng hoặc còn sót lại ở bờ nương rẫy. Cây sinh trưởng mạnh trong mùa mưa ẩm; rụng lá mùa đông; ra hoa quả đều hàng năm. Mùa hoa: tháng 4 – 5; mùa quả: tháng 5 – 10. Tái sinh tự nhiên tốt bằng hạt và bằng cách mọc chồi sau khi bị chặt.
Thông tin khác về thực vật
Ngoài loài ba gạc giới thiệu ở trên, ở Việt Nam còn có một số loài ba gạc khác cũng được sử dụng làm thuốc như:
Ba gạc lá nhỏ (Rauvolfia micrantha Hook.f.): Bình Định, Phú Yên, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Kiên Giang (Phú Quốc).
Ba gạc lá to (Rauvolfia cambodiana Pierre ex Pitard): Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk.
Ba gạc Châu Đốc (Rauvolfia chaudocensis Pierre ex Pitard): Phú Yên, Kiên Giang (Phú Quốc).
Ba gạc hoa đỏ (Rauvolfia serpentina (L.) Benth. ex Kurz): Đắk Lắk.
Ba gạc bốn lá (Rauvolfia tetraphylla L.): Nhập trồng.
Ba gạc Phú Hộ (Rauvolfia vomitoria Afzel. ex Spreng.): Có lẽ được nhập trồng trước năm 1954, nay còn sót lại một quần thể nhỏ hoang dại hóa, tại Trung tâm cây ăn quả Phú Hộ, Phú Thọ (bờ rào).
Ba gạc thân gỗ (Rauvolfia cafra Sond.): Nhập trồng từ Cu Ba.
3. Phân bố
Việt Nam:
Tỉnh Lạng Sơn (Văn Quan); Nghệ An (Kỳ Sơn) và có thể ở một số nơi khác. Ở Việt Nam, loài này còn có một thứ là R. verticillata var. hainanensis phân bố rộng rãi hơn loài gốc của nó.
Thế giới:
Trung Quốc.
4. Bộ phận dùng và công dụng
Bộ phận dùng:
Vỏ rễ và rễ con phơi khô.
Thành phần hóa học:
Trong vỏ rễ và rễ con ba gạc có chứa 0,9 – 2,2% alcaloid toàn phần, trong đó gồm reserpin, ajmalicin, spegatrin, verticilatin… Trong lá cũng có khoảng 0,72 – 1,69% các loại alcaloid này.
Công dụng:
Các hoạt chất alcaloid trong ba gạc được dùng làm thuốc chữa cao huyết áp. Dạng dùng là cao lỏng (alcaloid toàn phần) hoặc một vài alcaloid trong đó được chiết xuất dưới dạng tinh khiết, chế tạo thành thuốc viên hoặc thuốc tiêm.
5. Kỹ thuật nhân giống, gieo trồng
Trên thực tế loài ba gạc trên chưa được trồng phổ biến để lấy nguyên liệu làm thuốc. Qua nghiên cứu bảo tồn cho thấy, cây trồng bằng gieo hạt có tỷ lệ nảy mầm đạt 75%. Hạt gieo tươi.
Trên thế giới cũng như ở Việt Nam, chỉ đưa vào trồng lớn những loài có hàm lượng alcaloid cao, như ba gạc hoa đỏ (R. serpentina), ba gạc bốn lá (R. tetraphylla), ba gạc Phú Hộ hay còn gọi là ba gạc châu Phi (R. vomitoria).
Cách trồng giống nhau là đều từ hạt. Hạt gieo khi còn tươi. Tỷ lệ nảy mầm của các loài trên từ 70 đến 90%. Cây trồng trên đất thoát nước; dễ chăm sóc và sau 18 tháng (ba gạc bốn lá), hoặc 24 – 36 tháng (2 loài còn lại) đã có thể cho thu hoạch.
Nhận xét
Đăng nhận xét