Tên khác
Rau cẩn, Rau bướm, Hoa tím ẩn
Tên khoa học
Viola Inconspicua Blume
Mô tả: Cây thảo sống lâu năm, có thân ngắn, gốc cứng. Lá mọc chụm lại thành hình hoa thị ở gần gốc. Phiến lá hình tam giác, dài 2,5-5cm, rộng 2-4cm, gốc lõm hình tim, có tai hẹp, đầu nhọn, mép có răng thưa không đều; cuống lá dài 7-9cm (gấp 2-3 lần phiến); lá kèm màu nâu, mép nguyên, nhọn. Hoa mọc ở nách lá trên một cuống dài 3,5-4cm; 5 lá đài màu lục, 5 cánh hoa màu tía hay trắng. Khi hoa nở, cánh hoa uốn cong xuống như hình con bướm. Quả hình cầu, có 3 cánh. Hạt rất nhỏ, hình trứng ngược, màu nâu nhạt.
Bộ phận dùng: Toàn cây - Herba Violae Inconspicuae
Nơi sống và thu hái: Cây mọc ở nhiều nơi, thường gặp ở các bãi suối có cát, ven rừng nơi ẩm, các nương rẫy cũ ẩm, nhiều ánh sáng ở các vùng phía bắc đến các tỉnh Tây Nguyên, trên độ cao 500m-1700m.
Thành phần hóa học: Cải rừng tía chứa 88% nước, 2,4% protid, 7,2% glucid, 1,2% xơ, 1,2% tro, 3,5mg% caroten và 31mg% vitamin C.
Tính vị, tác dụng: Cải rừng tía có vị đắng nhạt, hơi the, tính mát; có tác dụng làm mát máu, giải độc, tiêu sưng.
Công dụng, chỉ định và phối hợp: Các phần non của cây dùng làm rau ăn luộc, xào, hay nấu canh. Cây còn được dùng chữa viêm họng, đau mắt viêm tuyến vú và sưng lở. Liều dùng 40-80g cây tươi hay 20-40g cây khô sắc uống. Ngoài dùng lá tươi giã đắp chỗ sưng đau.
Đơn thuốc: Lương y Lê Trần Đức cho biết một số ứng dụng của Cải rừng tía:
1. Chữa quai bị: Lá cải rừng tía 40g, phèn chua 4g, giã nhỏ đắp.
2. Chữa viêm tiền liệt tuyến: Cải rừng tía 40g, Mã đề, Hải kim sa mỗi vị 20g, sắc uống.
3. Chữa tràng nhạc, mụn mạch lươn hay bị kết hạch, dùng Cải rừng tía 40g sắc uống và giã đắp ngoài.
4. Chữa ngộ độc, dùng Cải rừng tía giã ra lấy 50ml nước cốt uống thì mửa ra, uống nhiều thì mửa hết.
Ghi chú: Còn loại Cải rừng trắng hay Rau cẩn nhẵn - Viola arcuata Blume mọc ở vùng cao Sapa, Đà Lạt, trên các bãi ẩm, nương rẫy cũ và vách đá ẩm, cũng được dùng làm rau ăn ghém, hoặc xào hay nấu canh
Nhận xét
Đăng nhận xét