Theo Y học cổ truyền, Cối xay có vị hơi ngọt, tính bình; có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, long đờm và lợi tiểu. Lá có nhiều chất nhầy dịu kích thích. Thường được dùng trị Sổ mũi; sốt cao, đau đầu dữ dội, viêm tuyến mang tai truyền nhiễm; Tật điếc, ù tai, đau tai; Lao phổi; Giảm niệu (tiểu tiện vàng, đỏ hoặc đái dắt, đái buốt).
Thông tin mô tả chi tiết cây Dược liệu Cối xay
Cối xay, Giằng xay - Abutilon indicum (L.) Sweet, thuộc họ Bông - Malvaceae.
Mô tả: Cây nhỏ sống hàng năm hay lâu năm, mọc thành bụi, cao 1-2m, có lông mềm trên toàn thân và các bộ phận của cây. Lá mọc so le, hình tim, mép khía răng. Hoa vàng, mọc ở nách lá, có cuống dài bằng cuống lá. Quả gồm tới 20 lá noãn dính nhau nom như cái cối xay lúa. Hạt hình thận, nhẵn, màu đen nhạt.
Mùa hoa quả tháng 2-6.
Bộ phận dùng: Toàn cây - Herba Abutili Indici
Nơi sống và thu hái: Loài cây của vùng Ấn Độ - Malaixia, mọc hoang khắp nơi và cũng được trồng làm thuốc. Nhân giống bằng hạt vào đầu mùa mưa. Thu hái cây vào mùa hè thu, đem phơi hay sấy khô; có thể tán thành bột để dùng dần.
Thành phần hoá học: Lá chứa nhiều chất nhầy và asparagin. Cây chứa tinh dầu với các thành phần là b-pinen, caryophyllen oxyd, cineol, geraniol, geranyl acetat, alemen, eudesmol, farnesol, borneol. Hạt chứa raffinose 1,6% và dầu nửa khô 4,21% gồm chủ yếu là glycerid của các acid linoleic, oleic, palmitic, stearic. Rễ chứa dầu béo, b- sitosterol, b-amyrin và một alcaloid chưa xác định.
Tính vị, tác dụng: Cối xay có vị hơi ngọt, tính bình; có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, long đờm và lợi tiểu. Lá có nhiều chất nhầy dịu kích thích. Vỏ làm se và lợi tiểu. Hạt có tác dụng kích dục, nhuận tràng và làm dịu kích thích. Nước hãm rễ có thể giảm sốt.
Công dụng, chỉ định và phối hợp Thường được dùng trị 1. Sổ mũi; sốt cao, đau đầu dữ dội, viêm tuyến mang tai truyền nhiễm; 2. Tật điếc, ù tai, đau tai; 3. Lao phổi; 4. Giảm niệu (tiểu tiện vàng, đỏ hoặc đái dắt, đái buốt). Liều dùng 15-30g toàn cây, hoặc 6-16g lá, 2-4g hạt; dạng thuốc sắc. Lá khô nấu nước uống chữa cảm sốt, nhức đầu, bí tiểu tiện, thường phối hợp với Rau má, Bời lời nhớt, mỗi thứ 20g, Phèn phi 2g. Để chữa vàng da, hậu sản thì phối hợp với Nhân trần và lá Cách. Lá tươi và hạt 8-12g giã nát, thêm nước uống, bã đắp chữa mụn nhọt, rắn cắn. Rễ ngâm giấm uống trị bệnh kinh phong (40g rễ trong 1 lít giấm thanh, mỗi lần dùng một thìa xúp).
Đơn thuốc:
1. Đau tai, tật điếc: Cối xay 60g hoặc 20-30g quả, nấu với thịt lợn mà ăn. Đối với tật điếc, dùng rễ Cối xay, Mộc hương, Vọng giang nam, mỗi vị 60g, nấu với đuôi lợn mà ăn.
2. Sau khi đẻ phù thũng: Lá Cối xay 30g, ích mẫu 20g sắc uống.
3. Kiết lỵ hay mắt cá màng mộng: Quả Cối xay, hoa Mào gà mỗi vị 30g, sắc uống.
Chú ý: Người có thận hư hàn23q1, tiểu tiện nhiều và trong, ỉa chảy không nên dùng. Phụ nữ có thai dùng phải cẩn thận.
Nhận xét
Đăng nhận xét