Theo y học cổ truyền, dược liệu Cà hai hoa Vị se, tính mát, hơi có độc; có tác dụng tiêu viêm, làm long đờm, chống ho. Thường dùng trị: Viêm phế quản mạn tính, hen phế quản; Chứng sợ nước. Dùng ngoài trị mụn nhọt và viêm mủ da, vết thương chảy máu, giã cây tươi đắp.
1. Hình Cà hai hoa Ngọn cành mang hoa, quả
2. Thông tin mô tả chi tiết cây dược liệu Cà hai hoa
Cà hai hoa, Cà hoa đôi - Lycianthes biflora (Lour.) Bitter (Solamum biflorum Lour.), thuộc họ Cà - Solanaceae.
Mô tả: Cây dưới bụi có lông, cao tới gần 1m. Lá có phiến thon, đáy từ từ hẹp trên cuống, đầu có mũi, có lông mịn, trăng trắng ở mặt dưới; cuống có lông. Hoa đơn độc hay từng cặp ở nách lá; cuống dài 1-1,5cm; đài có lông, có 10 răng; tràng hoa trắng, cao gấp đôi đài. Quả mọng đỏ, to 6-10mm; hột vàng, to vào cỡ 3mm.
Hoa tháng 2-7, quả tháng 11-12.
Bộ phận dùng: Toàn cây - Herba Lycianthis Biflorae.
Nơi sống và thu hái: Cây mọc phổ biến khắp cả nước, ở những môi trường khác nhau từ Hoà Bình, Hà Nội qua các tỉnh miền Trung, đến tận Kiên Giang (Phú Quốc). Thu hái toàn cây quanh năm, dùng tươi hay phơi khô.
Tính vị, tác dụng: Vị se, tính mát, hơi có độc; có tác dụng tiêu viêm, làm long đờm, chống ho.
Công dụng, chỉ định và phối hợp: Thường dùng trị: 1. Viêm phế quản mạn tính, hen phế quản; 2. Chứng sợ nước. Liều dùng 15-30g, dạng thuốc sắc. Dùng ngoài trị mụn nhọt và viêm mủ da, vết thương chảy máu, giã cây tươi đắp.
Đơn thuốc: Chữa viêm phế quản mạn tính (ở Trung Quốc): Cà hai hoa 60g, Dây gắm 30g, đường kính 15g. Ngâm nước một đêm, rồi nấu; lọc nước, cô lại chừng 200ml, chia 3 lần uống trong ngày. Liệu trình điều trị là 10 ngày.
Ghi chú: Cây có độc, dễ gây choáng váng, buồn nôn và mửa; nhưng nếu không dùng tiếp thì các hiện tượng sẽ mất dần.
Nhận xét
Đăng nhận xét