Theo y học cổ truyền, dược liệu Cải bẹ Hạt không có mùi, vị nhạt, có tác dụng phá huyết, tán kết, tiêu thũng, tiêu viêm. Ngoài việc dùng lá làm rau nấu canh hay làm dưa ăn, người ta còn dùng lá đắp ngoài trị ung thũng. Rễ củ và hạt được dùng chống bệnh scorbut. Còn hạt và hoa được dùng trong phạm vi dân gian làm thuốc trị mụn nhọt, đẻ xong đau bụng và giúp sự sinh nở dễ dàng.
1. Hình ảnh cây Cải bẹ
2. Thông tin mô tả chi tiết cây dược liệu Cải bẹ
Cải bẹ, Cải sen, Cải dưa - Brassica campestris L., thuộc họ Cải - Brassicaceae.
Mô tả: Cây mọc một năm hay hai năm, cao đến 1m, thân nhẵn hay hơi có lông. Lá có bẹ to, dài 4-5cm, phiến lá dài 40-50cm; lá phía dưới xẻ sâu, lá phía trên xẻ nông hơn. Hoa nhỏ màu trắng hay vàng. Quả hình trụ, dài 2-4 cm, đường kính 5mm, ở đầu có mỏ hơi dài ra. Hạt hình cầu, đường kính 1-2mm, vỏ màu nâu đen hay đỏ nâu, mặt sau có màu vàng.
Bộ phận dùng: Lá và hạt - Folium et Semen Brassicae campestris. Hạt thường có tên là Vân đài tử.
Nơi sống và thu hái: Cây được trồng khắp nơi trong nước ta để lấy lá làm rau nấu canh hay muối dưa. Thời gian sinh trưởng 90-100 ngày, nhiệt độ thích hợp 8-22oC. Ở miền Bắc thường gieo vào tháng 7-8, trồng tháng 8-10. Ta có các giống: Cải Thừa Thiên (Đồng Dư), Cải bẹ Nam Định (chủ yếu dùng muối dưa), Cải tiến, Cải tàu cuốn (Cải Thiều Châu) năng suất có thể đạt 30-40 tấn/ha.
Thành phần hóa học: Hạt có dầu. Ở var. oleIfera DC., trong hạt có 40-50% dầu, 23% protid và một glucosid khi thuỷ phân sẽ cho 0,40-0,60% tinh dầu với thành phần chủ yếu là crotonylaizothioxynat.
Tính vị, tác dụng: Hạt không có mùi, vị nhạt, có tác dụng phá huyết, tán kết, tiêu thũng, tiêu viêm.
Công dụng, chỉ định và phối hợp: Ngoài việc dùng lá làm rau nấu canh hay làm dưa ăn, người ta còn dùng lá đắp ngoài trị ung thũng. Rễ củ và hạt được dùng chống bệnh scorbut. Còn hạt và hoa được dùng trong phạm vi dân gian làm thuốc trị mụn nhọt, đẻ xong đau bụng và giúp sự sinh nở dễ dàng. Liều dùng 6-9g.
Nhận xét
Đăng nhận xét