Theo y học cổ truyền, cây dược liệu Xây Vỏ cây thường dùng ăn trầu thay Chay. Ở Campuchia, nó thường được dùng phối hợp với vỏ cây Muồng xiêm và Muồng chét để trị bệnh Tôkêlô. Cũng được dùng trị ỉa chảy cho trẻ em...
Thông tin mô tả chi tiết cây dược liệu Xây
Xây, Xoay - Dialium cochinchinense Pierre, thuộc họ Ðậu - Fabaceae.
Mô tả: Cây gỗ lớn, rụng lá từng phần, cao 15-25m. Thân hình trụ thẳng, gốc có bạnh vè lớn. Vỏ thân màu xám trắng, có các mảnh bong nhỏ hình đa giác không đều. Lá kép lông chim lẻ, cuống chung dài 15cm, có 5-7 lá chét xanh đậm, không lông, có mũi. Chùy hoa ở ngọn dài tới 30cm hay hơn; hoa trắng, nhỏ. Quả đậu hình trứng dài 15mm, rộng 8-9mm, có lông mịn sát như nhung đen. Hạt hình bầu dục, dẹp, màu nâu nhạt.
Cây ra hoa tháng 3-7, có quả tháng 6-11.
Bộ phận dùng: Vỏ cây - Cortex Dialii Cochinchinensis.
Nơi sống và thu hái: Cây của miền Ðông dương, mọc trên đất ẩm trong rừng và savan, ở độ cao 500-1600m, từ Nghệ An trở vào Nam. Thu hái vỏ quanh năm.
Tính vị, tác dụng: Vỏ dày 6-8mm, màu đỏ sẫm, có nhựa đỏ, chứa tanin, vị chát, có tác dụng thu liễm, diệt ký sinh trùng.
Công dụng, chỉ định và phối hợp: Vỏ cây thường dùng ăn trầu thay Chay.
Ở Campuchia, nó thường được dùng phối hợp với vỏ cây Muồng xiêm và Muồng chét để trị bệnh Tôkêlô. Cũng được dùng trị ỉa chảy cho trẻ em.
Gỗ cây dùng phối hợp với gỗ Trắc, Muồng xiêm, Muồng trâu, Muồng chét... để trị bệnh mày đay. Người ta dùng các vị thuốc đã thái nhỏ đem sắc nước uống ngày 4-5 bát để giúp cho việc bài xuất các chất trong ruột.
Quả Xây ăn được, có vị chua.
Nhận xét
Đăng nhận xét