Theo y học cổ truyền, dược liệu Sắn thuyền Vị đắng chát, tính mát; có tác dụng thu sáp, kháng khuẩn, tiêu viêm, làm lành vết thương. Một số nơi như bệnh viện Việt Tiệp (Hải Phòng) dùng lá Sắn thuyền tươi giã nát đắp chữa vết thương chảy mủ dai dẳng, bỏng, vết mổ nhiễm trùng, gãy xương hở, hoại tử da.. có kết quả.
1. Hình ảnh hoa Sắn thuyền
2. Thông tin mô tả chi tiết cây dược liệu Sắn thuyền
Sắn thuyền - Syzygium polyanthum (Wight) Walp. (Eugenia polyantha Witht. E. resinosa Gagnep.),. thuộc họ Sim - Myrtaceae.
Mô tả: Cây nhỡ, thân thẳng đứng, cao 5-10m. Cành mảnh và dài, lúc đầu dẹt về sau hình trụ, màu nâu nhạt. Lá mọc đối từng đôi, phiến lá hình bầu dục, đầu và gốc nhọn, mặt dưới nhạt, có những điểm tuyến, mép nguyên. Hoa mọc thành chùm ở nách lá, nụ hoa hình quả lê, gần hình cầu. Quả xếp từng chùm, khi chín có màu tím đỏ.
Mùa hoa quả: hè, thu, thường thay đổi theo từng vùng, có nơi cây ra hoa kết quả từ tháng 1-3.
Bộ phận dùng: Lá và vỏ cây - Folium et Cortex Syzygii Polyanthi.
Nơi sống và thu hái: Loài cây của Việt Nam, Lào, Campuchia. Cây mọc hoang dựa rạch và đồng bằng từ Cao Bằng đến các tỉnh Nam bộ Việt Nam. Cũng được trồng khắp nơi ở nước ta, lấy lá non và quả ăn, lấy vỏ xám thuyền và phối hợp với Củ nâu để nhuộm lưới. Trồng bằng hạt vào mùa xuân. Cây ưa sáng, tương đối chịu được khô hạn, có khả năng tái sinh mạnh bằng chồi. Thu hái lá, vỏ quanh năm, dùng tươi phơi khô.
Thành phần hoá học: Có tinh dầu, chất nhựa, chất nhầy.
Tính vị, tác dụng: vị đắng chát, tính mát; có tác dụng thu sáp, kháng khuẩn, tiêu viêm, làm lành vết thương.
Công dụng: Lá non có vị chát dùng ăn gỏi; quả có vị ngọt hơi chua mùi thơm dùng ăn được. Người ta dùng lá đắp chỗ sưng và vết thương cho mau lành, dùng vỏ chữa tả lỵ với liều 20-30g. Một số nơi như bệnh viện Việt Tiệp (Hải Phòng) dùng lá Sắn thuyền tươi giã nát đắp chữa vết thương chảy mủ dai dẳng, bỏng, vết mổ nhiễm trùng, gãy xương hở, hoại tử da.. có kết quả.
Đơn thuốc: Trước đây, cụ Tuệ Tĩnh đã dùng Sắn thuyền:
1. Chữa ỉa chảy ra máu không ngớt: Vỏ Sắn thuyền, vỏ Củ nâu, vỏ cây Vải, vỏ cây Sung, vỏ cây Ruối, vỏ Dụt, củ Gấu, các vị bằng nhau, 12-20g, sắc uống. (Nam dược thần hiệu)
2. Chữa trẻ em ỉa xối hoặc đi lỵ ngày đêm không dứt: Dùng vỏ Sắn thuyền sấy khô tán bột, cho uống mỗi lần 2g với nước cơm (Nam dược thần hiệu)
Nay ta thường dùng:
3. Chữa vết thương nhiễm trùng: 50-100g lá tươi giã nát đắp hoặc phơi khô tán bột rắc.
4. Chữa lỵ kinh niên: 8-12g vỏ cây sắc uống. Dùng riêng hoặc phối hợp với Seo gà, cám gạo nếp rang vàng.
Nhận xét
Đăng nhận xét