Theo Đông Y, Tai chua Thân, lá, nhựa có vị đắng, chát, tính mát, có ít độc, có tác dụng sát trùng. Nhân dân thường dùng vỏ quả Tai chua sắc uống chữa sốt, khát nước. Ở Trung Quốc, người ta dùng gôm nhựa tươi tuỳ lượng cho vào mũi trị đỉa chui vào xoang mũi.
1. Cây Tai chua - Garcinia cowa Roxb., thuộc họ Măng cụt - Clusiaceae.
2. Thông tin mô tả chi tiết Dược liệu Tai chua
Mô tả: Cây gỗ lớn có thân thẳng cao đến 18m, vỏ xám đen, cành nhiều, thẳng, thường đâm ngang, đầu hơi rủ xuống. Lá hình bầu dục thon, dài 7-12cm, rộng 3-5cm, gân bên xếp song song; cuống lá mảnh, dài gần 2cm. Hoa đực xếp 3-8 hoa thành tán ở ngọn nhánh, cánh hoa dài bằng hai lá đài; nhị nhiều. Hoa lưỡng tính đơn độc, nhị thành 4 nhóm; bầu trên có 6-9 ô với đầu nhụy xẻ 4-8 thùy. Quả thịt hình cầu chia thành múi, vỏ quả dày, trong đỏ, ngoài vàng, có 6-8 hạt, có áo.
Ra hoa tháng 3-4, quả tháng 7-8.
Bộ phận dùng: Vỏ quả, thân, lá, nhựa - Pericarpium, Caulis, Folium et Gummis Garciniae Cowae.
Nơi sống và thu hái: Loài phân bố ở Ấn Độ, Nam Thái Lan, Mianma, Bắc Việt Nam. Cây mọc trong rừng núi vùng trung du các tỉnh Lào Cai, Hà Giang, Vĩnh Phú, Hòa Bình, Bắc Thái, Lạng Sơn. Thường được trồng để lấy vỏ quả. Thu hái quả về, bỏ hạt, thái vỏ ra thành miếng mỏng phơi khô hay sấy khô; vỏ quả có màu đen nâu nhạt.
Thành phần hóa học: Vỏ quả chứa acid citric, một ít acid tartric và acid malic, còn có chất gôm nhựa. Trong hạt có một chất gây nôn mửa, dù có nướng kỹ cũng không mất tác dụng.
Tính vị, tác dụng: Thân, lá, nhựa có vị đắng, chát, tính mát, có ít độc, có tác dụng sát trùng.
Công dụng, chỉ định và phối hợp: Nhân dân thường dùng vỏ quả Tai chua sắc uống chữa sốt, khát nước. Ngày dùng 6-10g.
Ở Ấn Độ, người ta cũng dùng nhựa để làm thuốc.
Ở Trung Quốc, người ta dùng gôm nhựa tươi tuỳ lượng cho vào mũi trị đỉa chui vào xoang mũi.
Ghi chú: Còn có một loài Tai chua khác, có tên là Bứa cọng - Garcinia pedunculata Roxb., có quả chứa acid malic, được dùng như Tai chua và làm thuốc giải độc.
Nhận xét
Đăng nhận xét