Tại vùng biên giới xa xôi, thuộc ấp Sa Tô, xã Khánh Bình, huyện An Phú – An Giang, hầu hết thanh niên nông dân đều sống bằng nghề ruộng rẫy. Nhưng anh Nguyễn Hoàng Quốc Việt thì ngược lại, anh chọn làm giàu bằng nghề nuôi rắn ri voi và rắn hổ hèo.
Chỉ mới hơn một năm phát triển, trại của anh Việt đã có trên 200 rắn bố mẹ, 300 rắn lứa và nhiều rắn con mới nở. Đó là chưa kể số rắn thương phẩm và rắn giống đã bán ra trên 600 con. Hiện nay con giống đang khan hiếm, trang trại duy nhất của anh ở An Giang không đủ cung cấp cho các hộ nuôi.
Anh Nguyễn Hoàng Quốc Việt và những con rắn hổ hèo sắp đẻ. |
Trại rắn của anh Việt nằm bên dòng sông sát biên giới, bên kia là huyện Cỏ Thum, tỉnh Kandal – Campuchia. Năm 2009, anh Việt bắt đầu nuôi rắn. Từ lúc đầu, anh đã có định hướng nuôi với quy mô trang trại, thay vì nuôi nhỏ lẻ kiểu hộ gia đình. Điều thú vị là trại rắn của anh được Chi cục Kiểm lâm tỉnh An Giang cấp Giấy chứng nhận đăng ký Trại gây nuôi sinh sản - Nuôi sinh trưởng động vật hoang dã. Nhờ vậy mà việc mua bán, vận chuyển động vật hoang dã đã được giám sát chặt chẽ từ các cơ quan chức năng.
Rắn hổ hèo mới nở. |
Hiện, nhiều nhà hàng, quán ăn trong vùng và khu vực lân cận đến trại anh Việt thu mua với giá từ 500.000 – 650.000 đồng một kg, nhưng không đủ để bán. Một số hộ dân ở các huyện An Phú và Tân Châu – An Giang đã nuôi hổ hèo cho sinh sản và bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế đáng khích lệ. Trại Nhờ kinh nghiệm nuôi rắn ri voi trước đây, nên việc “thuần hóa” rắn hổ hèo, cũng như hỗ trợ bà con nông dân trong vùng cùng nuôi loài rắn này của anh khá thuận lợi.
Theo kinh nghiệm của anh, rắn hổ hèo dễ nuôi, mau lớn, ít bệnh tật, đầu ra lại ổn định. Khởi đầu, anh đi thu mua nhỏ lẻ từ các hộ nông dân đem về chăm sóc. Sau 6 tháng, rắn trưởng thành; khoảng 1 năm tuổi, rắn sẽ tự phối giống và bắt đầu đẻ. Mỗi lứa khoảng 10 trứng, nhiều nhất là 20 trứng. Sau khi rắn đẻ xong, người nuôi cho tất cả trứng vào một cái thùng, hoặc khạp có đổ cát để ấp, mặt đậy kín để giữ ấm. Sau hai tháng, trứng sẽ nở với tỷ lệ từ 85 – 95%. Rắn hổ hèo mỗi năm đẻ hai lần, vào tháng 2, 3 và giữa năm.
Trứng rắn hổ hèo. |
Cũng theo anh Việt, hổ hèo tuy dễ nuôi nhưng muốn đạt hiệu quả cao, người nuôi phải nắm vững kỹ thuật chăm sóc, từ thức ăn đến nước uống, nhất là môi trường phải bảo đảm vệ sinh. Thức ăn chính của rắn là động vật như ếch, nhái, chuột hoặc các phế phẩm từ gia súc, gia cầm, rất ít tốn kém.
Hổ hèo là loài rắn hoang dã, có người còn gọi là hổ trâu, hổ vện, ráo trâu, tên khoa học là Ptyas Mucosus, không có nọc độc nguy hiểm. Răn hổ hèo có hàm lượng protid và acid amin rất cao, tốt cho sức khỏe. Vì vậy mà nhiều người săn tìm ráo riết để lấy thịt hoặc ngâm rượu làm thuốc. Nổi tiếng nhất là ngũ xà tửu, gồm: hổ đất, hổ hèo, hổ hành, hổ lửa, mái gầm. |
Hoài Vũ
Rắn Hổ Hèo (Đồng bằng sông Cửu Long) còn được gọi là:
-
Rắn Ráo Trâu
- Rắn Hổ Trâu (miền Bắc)
-
Rắn Hổ Vện (miền Đông Nam Bộ, trừ Tây Ninh)
-
Rắn Long Thừa (Tây Ninh)
-
Rắn Ráo Trâu
-
Rắn Gáo Trâu
-
Rắn Giáo Trâu
Nhận xét
Đăng nhận xét