Trong thời gian gần đây, nước ta nhập một lượng dược liệu rất lớn cung cấp cho phòng, chữa bênh bằng y dược học cổ truyền. Theo các số liệu thống kê chưa đầy đủ hàng năm ta nhập khoảng 45.000-60.000 tấn dược liệu với số tiền 150-200 triệu USD. Dược liệu nhập phần lớn có chất lượng thấp, không ổn định. Để tăng cường hiệu quả phòng, chữa bệnh bằng thuốc Y học cổ truyền không có con đường nào khác là cần phải tạo nên nguồn dược liệu lớn bằng cách trồng trọt.
Địa hình Việt Nam trải dài hơn 3000 km trên nhiều vùng tiểu khí hậu, có thể trồng được các cây thuốc thích hợp với khí hậu lạnh, mát như Actiso, Xuyên khung, Tam thất, các cây thuốc vùng nhiệt đới Kim tiền thảo, Lô hội, Do có bờ biển dài có thể nuôi trồng nhiều loại cây thuốc vùng đất mặn, nuôi trồng các sinh vật biển.
Nguồn cây cỏ làm thuốc ở nước ta phong phú và đa dạng, theo các công bố y học cổ truyền nước ta sử dụng hơn 4000 loài cây thuốc, tảo biển và động vật làm thuốc để chữa các bệnh khác nhau. Tuy nhiên để đáp ứng nhu cầu chữa bệnh cho cộng đồng, các cây thuốc cần được khai thác hợp lý, đưa vào trồng trọt và kết hợp nhập giống trồng những cây thuốc có nhu cầu lớn. Hiện nay tổng sản lượng dược liệu trồng ở Việt Nam ước tính hàng năm khoảng 3.000 -5.000 tấn, còn rất khiêm tốn so với yêu cầu.
Xuất phát từ thực tế nhà nước đã có “Quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030”. Nội dung chủ yếu của quy hoạch là phát triển xây dựng trồng cây thuốc trên diện tích lớn tạo thành các khu vực chuyên canh, trồng dược liệu có nhu cầu sử dụng lớn trong nước, tập trung ưu tiên phát triển các nhóm dược liệu đáp ứng đủ cho nhu cầu sản xuất thuốc, chiết xuất tinh chế các hoạt chất tinh khiết, xuất khẩu và dùng cho nhu cầu khám chữa bệnh bằng Y học cổ truyền, bảo đảm đáp ứng đủ 60% nhu cầu sử dụng dược liệu trong nước đến năm 2020 và 80 % nhu cầu dược liệu trong nước đến năm 2030. Theo quy hoạch đến năm 2020, sản lượng dược liệu thu hoạch từ nguồn nuôi trồng trong nước đạt 50.000 tấn dược liệu và đến năm 2030 sản lượng đạt trên 90.000 tấn dược liệu khô.
Như vậy theo quy hoạch tới 2020 về cơ bản nước ta có thể trồng trọt, tự túc được dược liệu trong nước đảm bảo chất lượng với giá trị hàng trăm triệu USD. Về mặt cơ sở lý thuyết trồng cây thuốc là nghề có triển vọng mang lại hiệu quả kinh tế, phù hợp với chủ trương của Ngành Y tế, của Nhà nước.
Trên thực tế hiện nay trong cả nước có nhiều vùng trồng trọt cây thuốc mang lại hiệu quả kinh tế cao, tự phát hình thành các khu vực, các làng nghề trồng cây thuốc:
Làng Nghĩa Trai xã Tân Quang huyện Văn Lâm tỉnh Hưng Yên là địa phương có truyền thống trồng và chế biến dược liệu, hơn 70% diện tích đất canh tác được sử dụng để trồng cây thuốc, mỗi sào cây thuốc lãi 7-10 triệu đồng mỗi năm, các gia đình chế biến dược liệu theo quy mô nhỏ mỗi năm chế biến 30-50 tấn, các hộ lớn chế biến hàng trăm tấn, mỗi năm Nghĩa Trai chế biến và buôn bán hàng nghìn tấn dược liệu, mỗi tấn thu 5-10 triệu. Đặc biệt ở đây có nhiều kinh nghiệm để giống, trồng, chế biến Cúc hoa dược liệu xuất khẩu có giá trị cao. Thị trường chủ yếu của Nghĩa Trai là các công ty dược, đại lý dược liệu ở các thành phố lớn, các phòng chẩn trị y học cổ truyền và xuất khẩu sang Trung Quốc.
Hình 1. Chế biến Hoài sơn theo quy mô nhỏ ở các hộ gia đình
Trên bãi phù sa Sông Hồng các gia đình có kinh nghiêm trồng cây làm thuốc với các hình thức sử dụng đất khác nhau đã thành lập nên một hệ thống trồng cây thuốc cung cấp nhiều dược liệu thiết yếu sử dụng trong nước như Ngưu tất, Bạch chỉ, Bạch truật, Đương quy, Hoài sơn, Ngưu bàng…
Nhiều doanh nghiệp sản xuât thuốc từ dược liệu cũng tổ chức các hệ thống trồng cây thuốc ở các địa phương cung cấp nguyên liệu đảm bảo chất lượng cho chính mình.
Gần đây nhiều địa phương đặc biệt là một số tỉnh miền núi được nhà nước hỗ trợ đã triển khai nhiều dự, án mô hình trồng cây thuốc trong chương trình xóa đói giảm nghèo.
Việc trồng cây thuốc có thể tiến hành dưới nhiều hình thức bởi các cá nhân, tổ chức tư nhân, các tập thể.
Hầu hết các cây thuốc có giá trị cao, mang lại hiệu quả kinh tế lớn hơn nhiều so với trồng các cây nông nghiệp trong cùng điều kiện.
Tuy nhiên cây thuốc có những đặc điểm khác với cây nông nghiệp. Cây nông nghiệp Lúa, Ngô, Khoai sau khi thu hoạch có thể bảo quản lâu dài, sử dụng cho nhiều đối tượng làm lương thực, thực phẩm, chăn nuôi gia súc, chế biến thành nhiều sản phẩm khác nhau. Trồng cây thuốc sau khi thu hoạch Dược liệu nếu không xử lý, kịp thời thường dễ bị hư hỏng, mốc mọt khó bảo quản, đặc biệt dễ dẫn tới “thừa” khi sản xuất không có kế hoạch, tự phát, tranh trồng, tranh mua tranh bán. Hiện tượng “Được mùa rớt giá, được giá mất mùa” là thực tế thường xảy ra đối với trồng cây thuốc, là nguyên nhân làm cho trồng cây thuốc có nguy cơ bị lỗ cao, ảnh hưởng tới sự phát triển của lĩnh vực này.
Để phát triển trồng cây thuốc đáp ứng nhu cầu về Dược liệu trong những năm tới cần xây dựng kế hoạch, cơ cấu cây thuốc phù hợp với yêu cầu sử dụng của Y dược học cổ truyền và sản xuất chế phẩm từ dược liệu trong toàn quốc.
Nhà nước tạo điều kiện hỗ trợ về mặt cơ chế để tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở trồng trọt, sản xuất thuốc từ dược liệu điều chỉnh nhu cầu, sản lượng dược liệu phù hợp qua từng thời kỳ.
Xây dựng hệ thống sản xuất kỹ thuật cao tạo các sản phẩm dược liệu đảm bảo chất lượng, năng suất cao
Phối hợp đa ngành trong trồng trọt sử dụng dược liệu cụ thể phối hợp với Lâm nghiệp, Nông nghiệp, Công nghệ sinh học giải quyết vấn đề đất trồng, áp dụng tiến bộ của khoa học kỹ thuật nông nghiệp, tiến tới trồng trọt cây thuốc theo tiêu chuẩn GACP. Phối hợp giữa các cơ sở trồng Dược liệu với các doanh nghiệp phân phối, sản xuất thuốc từ dược liệu. Kết hợp tốt và hài hòa các ngành sẽ tạo điều kiện xây dựng hệ thống trồng cây thuốc đáp ứng nhu cầu của nghành dược, đem lại hiệu quả kinh tế cao
Nhận xét
Đăng nhận xét