Trong nhật ký, cậu viết: “Xuống tàu ở Cà mau tập kết ra Bắc – Học tập và làm việc ở Hà Nội – Trở về Nam theo đường mòn Hồ Chí Minh” v.v. Đáng chú ý nhất là cuộc vượt rừng Trường Sơn đầy gian khổ với cơm nắm, rau tàu bay rừng…".
"... Câu nói của ông cha ta xưa “Trời sinh voi sinh cỏ” ngẫm lại rất đúng. Vì sau những trận đánh sống còn, những lần tránh bom Mỹ rải thảm, từng vạt rừng bị cháy xém. Nhưng chỉ cần một cơn mưa đổ xuống là khoảng tuần sau “lũ rau dại” này lại vươn mình mọc lên xanh tốt để bộ đội ta có thức ăn, đủ sức tiếp tục cuộc chiến đấu!".
Một loại cây mọc hoang. Như cậu tôi mô tả, trông gần giống với cây tàu bay (ảnh chỉ mang tính minh hoạ, nguồn: Ba Cần Thơ)
Rau tàu bay như nhật ký của cậu miêu tả, vốn là loại cây hoang dã, mọc và phát triển nhanh, mạnh ở khắp nơi trong rừng, trên núi, bờ mương. Cây cao khoảng 5 tấc, lá trông giống như lá cúc, bông mới nở có màu hồng, bông già có màu trắng như bông cỏ tranh, khi khô bông bay theo gió. Có phải thế mà được gọi tên là rau tàu bay?. Và khi bông rớt xuống, gặp đất ẩm mọc thành cây. Đây là nguồn rau xanh quí giá dùng để: ăn sống, luộc, xào, nấu canh, hay muối chua…
Cây rau cải trời, còn được gọi là rau tàu bay, trồng tại vườn nhà (ảnh: Hồng Khuyên)
Cậu nhớ lại, trong những trận càn ác liệt của địch ở miền Đông Nam bộ, bộ đội ta phải cầm cự dài ngày với địch nên lương thực bị khan hiếm. Sau khi tiếng súng tạm ngưng, ai nấy đều đói lả và mệt nhoài. Chỉ cần vào rừng hái vài nắm rau tàu bay rửa sạch, ngắt bỏ đọt non cho bớt vị hăng nồng, thêm chút muối vào nồi nước sôi rồi thả rau tàu bay vào, thế là được môt món canh ngon ngọt, thanh đạm, dễ “lùa” cơm. Đôi lúc muối cũng cạn sạch, đành phải luộc suông, thậm chí ăn sống để khỏi phải đun nấu, tránh sự phát hiện của địch!.
Cuộc sống khi ấy tuy vất vả trăm bề nhưng với lòng quả cảm và tinh thần đánh giặc lạc quan hừng hực trong những chàng trai trẻ. Chính vì thế, nhà thơ Văn Thảo Nguyên, trong bài thơ “Đêm tháng Năm” có những câu thơ mang đầy ý nghĩa: “Cơm gạo mốc, mà tưởng cơm nếp mới. Rau tàu bay không muối cũng thành canh.”…
Giờ đây, đất nước đã 40 năm thống nhất, cậu tôi tuổi đã cao, được nghỉ ngơi, sum họp cùng gia đình trong căn nhà ấm cúng, tiện nghi. Trong mỗi bữa cơm gia đình có đầy đủ các thức ăn, thịt cá, rau… Nhưng đôi lúc cậu vẫn bùi ngùi nhắc lại những trận chiến ác liệt, những đồng đội cũ đã anh dũng hy sinh, và có cả câu chuyện kể về món canh rau tàu bay năm xưa… Dù cậu biết, đó chỉ là hoài niệm!...
Nhận xét này đã bị tác giả xóa.
Trả lờiXóa