Tên khác: Rễ gió
Tên đồng nghĩa: Menispermum cordifolium Willd., Cocculus cordifolius (Willd.) DC.
Họ: Tiết dê (Menispermaceae)
Mô tả:
Dây leo, thân mảnh có cạnh khía, thắt lại ở những mấu. Lá có cuống, hình bầu dục, dài 8 cm, rộng 7 cm, gốc hình tim, đầu hơi nhọn, hai mặt nhẵn, mép nguyên, gân chính 5 - 7.
Cụm hoa mọc kẽ lá thành chùm đơn, mang ít hoa ở phần trên cuống; lá bắc nhọn; hoa có 3 lá đài ngoài rất nhỏ, 3 lá đài trong, cong lớn hơn; cánh hoa 6, xếp đối diện và bọc lấy nhị, ngắn hơn các lá đài trong; nhị 6; bầu hình trứng, thắt lại ở đầu chứa 1 noãn.
Mùa hoa: tháng 11 - 12.
Bộ phận dùng:
Thân và rễ.
Thành phần hoá học:
Dây và rễ dây thần thông chứa các nhóm chất chính: các chất đắng: columbin, chasmanthin, palmarin, tinosporin, acid tinosporic, một glycosid đắng có tên là giloin. Các glycosid không đắng như: giloinin, tinocordifoliosid, tinocordifolin, tinosposid, tinosporasid, cordifolid, tinocordiosid.
Ngoài ra còn chứa berberin phytosterol: ginosterol, các glucosid của siringin và các chất khác như: tinosponon, tinosporid, picroretin, magnoglorin, tembetarin, epimer của 6 - hydroxyarcangelisin và arabinogactan có tác dụng miễn nhiễm. Thân và lá có chứa tinh dầu và acid béo.
Loài củ gió ở vùng núi phía Bắc (T.glabra) chứa các alcaloid như palmatin, columbamin các diterpen đắng (Columbin).
Tác dụng dược lý:
1. Chống đái tháo đường
Các cao chiết với nước, ethanol vac cloroform từ lá dây thần thông cho thỏ ống đã thể hiện tác dụng hạ glucose huyết trên cả thỏ bình thường và thỏ gây đái tháo đường bằng alloxan mà hầu hết các tế bào beta của tuyến tuỵ đã bị phá huỷ, có vẻ là một tác dụng trực tiếp, có thể do một cơ chế giống như của insulin. Tuy vậy, tác dụng mạnh hơn ở thỏ có glucose huyết bình thường gợi ý cơ chế tác dụng không chỉ là trực tiếp giống như insulin, mà còn là tác dụng gián tiếp do kích thích giải phóng insulin từ các tế bào beta của tuyến tuỵ.
Ngoài hoạt tính hạ glucose huyết, không thấy có tác dụng trên nồng độ lipid huyết, và trong nghiên cứu độc tính cấp, không thấy có dấu hiệu và triệu chứng nào về độc tính.
Cao chiết dây thần thông được cho chuột nhắt trắng gây đái tháo đường bằng streptozotocin uống trong 40 ngày, đã thể hiện tác dụng hạ glucose huyết, dự phòng chứng đa niệu, và dự phòng sự tăng nồng độ albumin trong nước tiểu ở chuột điều trị so với ở chuột đối chứng đái tháo đường.
Cao chiết nước rễ dây thần thông, cho chuột cống trắng đái tháo đường do alloxan uống, gây giảm có ý nghĩa glucose huyết, mức lipid trong não, glucose - 6 phosphatase ở gan, phosphatase acid, phosphatase kiềm và lactat dehydrogenase trong huyết thanh, và gây tăng thể trọng, hemoglobin toàn phần và hexokinase ở gan.
Đã đánh giá hiệu quả dự phòng bệnh đục thuỷ tinh thể do đái tháo đường của dây thần thông ở chuột cống trắng đái tháo đường do alloxan. Ở nhóm chuột gây đái tháo đường vơi alloxan (120mg/kg) được cho uống cao ethanol dây thần thông đông khô (400mg/kg) hàng ngày với 4 tháng, chỉ có 12,5% chuột có đục thuỷ tinh thể ở ngày 120, trong khi ở nhóm chuột đối chứng đái tháo đường, 100% chuột bị đục thuỷ tinh thể lớp vỏ (giai đoạn IV) ở ngày 100.
Trong nghiên cứu tác dụng của dây thần thông trên đái tháo đường gây bởi dexamethason ở chuột cống trắng, cao chiết dây thần thông đã không gây giảm nồng độ glucose huyết, không có tác dụng cảm ứng insulin, nhưng có tác dụng bảo vệ gan chống lại sự thay đổi về mỡ và chống lại các áp xe nhiễm mủ huyết. Các tác dụng nêu trên gợi ý về hoạt tính kích thích miễn dịch không đặc hiệu và chống oxy hoá của dây thần thông.
2. Điều hoà miễn dịch
Điều trị trước bằng việc cho uống cao nước dây thần thông làm giảm mạnh tỷ lệ tử vong trong mô hình chuột nhắt trắng gây viêm màng bụng với Escherichia coli. Điều này kết hợp với sự tăng độ thanh thải vi khuẩn và sự tăng khả năng thực bào của bạch cầu trung tính ở nhóm chuột điều trị với dây thần thông. Những kết quả này được xác nhận trong thí nghiệm với chuột cống trắng gây nhiễm khuẩn bụng bằng thắt manh tràng.
Cả ở chuột cống trắng và người, việc cho uống cao dây thần thông cải thiện kết quả phẫu thuật ở bệnh nhân có chứng vàng da tắc mật, mà nhiễm khuẩn do vi khuẩn ở mật trong thời gian phẫu thuật đường mật là một nguy cơ lớn. Trong nhóm dùng cao thần thông, khả nằng thực bào và diệt vi khuẩn của bạch cầu trung tính tăng lên, vì vậy dây thần thông có vẻ tác động do làm tăng khả năng đề kháng của cơ thể chủ.
Một polysaccharid phân lập từ dây thần thông có tác dụng tạo phân bào lympho của chuột nhắt trắng và cùa người. Tác dụng này làm tăng đáp ứng miễn dịch trung gian bởi tế bào đối với kháng nguyên đặc biệt.
Syringin và cordiol, phân lập từ dây thần thông, ức chế sựu tan máu miễn dịch in vitro của hồng cầu cửu bao phủ bởi kháng thể huyết thanh chuột lang. Đã chứng minh hoạt tính này do sự ức chế C3 - convertase trong quá trình cố định bổ thể. Miễn dịch trung gian bởi thể dịch và tế bào cũng tăng lên một cách phụ thuộc vào liều, và đã nhận xét thấy sự tăng IgG trong huyết thanh. Cordiosid, cordiofoliosid và cordiol cũng gây hoạt hoá đại thực bào.
3. Kháng khuẩn, kháng ký sinh trùng
Cao chiết chuẩn hoá của dây thần thông cùng với chế độ hoá trị liệu chống lao được dùng trong 6 tháng. Sự theo dõi của 2 và 6 tháng cho thấy dây thần thông thúc đẩy nhanh sự phục hồi kết quả xét nghiệm X quang. Những dữ liệu phân tích cho tới thời gian điều trị 2 tháng cho thấy dây thần thông làm bệnh nhân tăng cân nhiều hơn, làm giảm thời gian có đờm, đẩy nhanh sự phục hồi trên chiếu X quang, và làm cho chất lượng sống tốt hơn so với nhóm đối chứng dùng hoá trị liệu đơn thuần. Ở thời gian 6 tháng, các kết quả điều trị ở hai nhóm tương tự như nhau. Tỷ lệ trường hợp có tác dụng không mong muốn và bỏ dở điều trị ở nhomgs dùng dây thần thông ít hơn.
Cao ethanol từ thân dây thần thông có tác dụng ức chế các chủng vi khuẩn: Escherichia coli, Proteus vulgaris, Enterobacter faecalis, Salmonella typhi, Staphylococcus aureus và Serratia narcescens trong thử nghiệm khuếch tán trên đĩa.
Cao chiết methanol có tác dụng ức chế in vitro các chủng vi khuẩn: Enterobactera aerogenes, Proteus vulgaris, Proteus mirabilis. Tinh dầu từ lá có hoạt tính kháng trực khuẩn lao chủng MTH 52 của người in vitro ở nồng độ ức chế tối thiểu 1: 50 000.
Cao chiết với ethanol 50% từ thân dây thần thông thử trên chuột hamster (túi má) gây nhiễm Leishmania đã có tác dụng ức chế có ý nghĩa sự nhân lên của ký sinh trùng và làm tăng thời gian sống sót của chuột túi má
Cao chiết methanol dây thần thông có hoạt tính kháng sinh ký sinh trùng sốt rét mạnh thể hiện ở tác dụng ức chế sự phát triển của Plasmodim falciparum chủng FCR - 3 với nồng độ ức chế 50% là 6,1mg/ml
4. Chống ung thư
Kết quả đạt được với 26 bệnh nhân ung thư vú được điều trị bằng hoá trị liệu đồng thời với một cao nước chuẩn hoá dây thần thông qua 6 chu kỳ cho thấy các tác dụng không mong muốn xảy ra ít hơn ở nhóm điều trị với cao dây thần thông. Dây thần thông cũng làm tăng chỉ số chết tế bào theo chương trình một cách phụ thuộc vào liều ở các tế bào 4937, và làm tăng sự chết tế bào theo chương trình gây bởi cytarabin và cisplatin. Như vậy, dây thần thông có triển vọng là một thuốc bổ trợ cho hoá trị liệu ung thư.
Phần lớn các thuốc hoá trị liệu tổng hợp chống ung thư hiện nay là các thuốc chẹn miễn dịch, độc hại tế bào và có nhiều tác dụng phụ, đặc biệt rõ rệt trong hoá trị liệu ung thư. Các thuốc điều hoà miễn dịch nguồn gốc thực vật thường được dùng để điều trị hỗ trợ hoặc bổ sung để khắc phụ các tác dụng không mong muốn của các thuốc hoá trị liệu độc hại tế bào, và hồi phục sức khoẻ bình thường. Cao chiết toàn phần, các cao chiết phân cực và không phân cực của dây thần thông thể hiện hoạt tính kích thích miễn dịch trong sarcim cổ trướng của chuột nhắt trắng được cho cyclophosphamid.
Việc điều trị chuột nhắt trắng mang sarcom cổ trướng với chế phẩm gồm toàn phần dây thần thông và Withania somnifera (20: 80) và phân đoạn phân cực không có alcaloid của W.somnifera có tác dụng bảo vẹ tuỵ và bảo vệ miễn dịch gây bởi cyclophosphamid ở động vật bình thường, biểu hiện ở sự tăng có ý nghĩa số đếm bạch cầu và độ chuẩn kháng thể gây ngưng kết hồng cầu và tan huyết.
Việc điều trị với phân đoạn polysaccharid từ dây thần thông có tác dụng làm giảm khả năng di căn cả tế bào u hắc sắc tố B - 16F - 10. Đã nhận xét thấy tác dụng ức chế 72% trong sự hình thành các di căn ở phổi của chuột nhắt trắng, khi cho thuốc đồng thời với việc gây khối u. Các thông số hoá sinh như hydroxyprplin của collagen ở phổi, hexosamin và acid uronic là các dấu ấn cảu sự phát triển khối u đã giảm có ý nghĩa ở chuột điều trị so với chuột đối chứng không điều trị. Việc điều trị cũng làm giảm nồng độ g - glutamyltranspeptidase và acid sialic trong huyết thanh so với động vật đối chứng.
5. Chống phóng xạ
Dây thần thông có tác dụng bảo vệ chống phóng xạ. Cao chiết nước thân cây có tác dụng quét gốc tự do và chelat hoá kim loại và do đó có tác dụng bảo vệ chống phóng xạ ion - hoá. Nó cũng ức chế sự peroxy - hoá lipid trung gian bởi sulphat sắt hoá trị II trong dịch đồng thể gan. Cao chiết nước dây thần thông góp phần một cách toàn diện và cạnh tranh vào sự cải thiện stress oxy hoá gây bởi phóng xạ. Tác dụng chống oxy hoá, theo cả cơ chế trực tiếp và gián tiếp, cùng với các tác dụng khác như điều hoà miễn dịch và khả năng tăng sinh tế bào, có thể chịu trách nhiệm về sự biểu hiện chống phóng xạ, cũng như đươc thể hiện bởi tỷ lệ tử vong gây bởi phóng xạ (10 Gy) ở chuột nhắt trắng.
Chế phẩm dù ở nồng độ thấp (6,9 mg/ml) nhưng cũng có tác dụng bảo vệ gần 90% đối với tia gamma.
Dây thần thông có hiệu lực bảo vệ một phần đối với liều phóng xạ dưới liều chết.
6. Bảo vệ gan, chống loét dạ dày
Dây thần thông có thể có tác dụng làm ổn định màng tế bào dẫn đến khả năng dự phòng tác dụng độc của muối mật trong bệnh gan.
Một nghiên cứu trên đã cho thấy việc điều trị với dây thần thông dẫn đến sự cải thiện các thông số lâm sàng, huyết học và hoá sinh của gan, gợi ý tác dụng bảo vệ gan của dây thần thông. Một cao chiết ethanol từ rễ dây thần thông, kết hợp với rau máu, có tác dụng bảo vệ chống lại sự hình thành loét dạ dày bởi stress do gò bó. Hoạt tính này có thể so sánh với tác dụng của diazepam trên chuột cống trắng.
Cao chiết ethanol toàn cây dây thần thông được thử nghiệm về hoạt tính chống loét dạ dày với liều 400mg/ kg cho uống trong mô hình loét dạ dày do thắt môn vị, ibuprofen, và gò bó lạnh, có so sánh với famotidin (3,6 mg/kg uống), Ngoài ra, tác dụng cũng được so sánh với misoprostol (7,2 mg/kg) trong mô hình loét do bôi ibuprofen. Cao dây thần thông, famotidin và misoprostol làm giảm chỉ số loét trong các mô hình.
7. Chống oxy hoá
8. Chống stress
9. Chống viêm, giảm đau, hạ sốt, chống dị ứng
10. Các tác dụng khác
Dây thần thông có hoạt tính chốn sốt rét, chống viêm khớp và chống bệnh phong.
Tác dụng chống sinh sản của dây thần thông ở chuột cống trắng đực.
Hoạt tính bảo vệ tim, hạn chế mức độ nhồi máu cơ tim gây bởi thiếu máu cục bộ - tái tưới máu.
Tăng chức năng nhận thức.
Tính vị, công năng:
Dây thần thông có vị rất đắng, tính hàn, có tác dụng hạ sốt, tiêu tích trệ, tiêu huyết ứ, tán ung độc, lợi tiểu, thông kinh, lợi tiêu hoá.
Công dụng:
Dây thần thông được dùng để chữa sốt rét, sốt, viêm họng, đầy hơi, táo bón, bế kinh, kinh nguyệt không đều. Còn dùng trị thấp khớp, đái tháo đường và làm thuốc bổ đắng giúp cho tiêu hoá dễ dàng. Dùng dưới các dạng cao, bột, viên hoặc ngâm rượu uống.
Liều dùng chữa sốt, sốt rét: ngày uống 1 - 2g cao dưới dạng thuốc viên. Thân cây, ngày uống 2 - 3 g dưới dạng thuốc bột, 4 - 8g dưới dạng rượu thuốc. Ngoài công dụng dùng trong, dây thần thông còn được dùng ngoài giã đắp hoặc sắc lấy nước rửa các vết lở loét.
Trong y học cổ truyền Ấn Độ, tất cả các bộ phận của cây được sử dụng rộng rãi về tác dụng bổ chung, chống viêm, chống dị ứng, bảo vệ gan, tăng dục, tăng thích nghi và hoạt tính điều hoà miễn dịch trong các bệnh nhiễm khuẩn. Dây thần thông cũng được dùng trị các bệnh da, vàng da, thiếu máu, sốt, sốt rét và thấp khớp. Dây thần thông là một thành phần của một số lớn bài thuốc sắc trong y học cổ truyền Ấn Độ trị bệnh về khớp.
Tinh bột từ thân và rễ được dùng làm chất bổ dưỡng trong bệnh tiêu chảy và lỵ mạn tính. Dịch ép từ cây tươi là một thuốc lợi tiểu mạnh, trị bệnh về tiết niệu và bệnh lậu. Ngoài tác dụng trị sốt rét, rễ thần thông còn có hoạt tính chống stress và trị bệnh phong. Dây thần thông cũng được dùng trong thú y.
Thân cây tán bột hoặc sắc lấy nước cho vào bơ sữa trâu lỏng, sữa dê hoặc mật ong được dùng để lọc máu, làm ổn định sức khoẻ người cao tuổi và làm bắp thịt chắc khoẻ.
Một bài thuốc chữa sốt rét gồm thân rễ thần thông, thân rễ củ gấu và gừng khô, mỗi vị 5g. Sắc với nước uống trong này, trong 4 - 5 ngày.
Thân cây của dây thần thông trộn lẫn với vỏ thân của cây tra nhỏ (Thespesia lampas) và lá xuyên tâm liên được dùng dới dạng thuốc sắc để chữa sốt rét.
Trong 1210 trường hợp các bệnh nhiễm khuẩn khác nhau được điều trị với chế phẩm Septilin bào chế từ dây thần thông và một số dược thảo khác, có 610 trường hợp nhiễm khuẩn đường hô hấp dưới, 105 trường hợp chảy dịch tai mạn tính, 175 trường hợp nhiễm khuẩn bề mặt da, 15 trường hợp viêm eczema da và 185 trường hợp vết mổ được khâu. Septilin có hiệu quả trong đa số trường hợp. Không có tác dụng phụ hoặc phản ứng dị ứng, ngay cả khi dùng hàng ngày.
Một chế phẩm khác chứa dây thần thông, nhọ nồi, nhục đậu khấu, mỗi vị 100mg, và một số thành phần dược thảo khác, được dùng điều trị có hiệu quả sỏi thận với các biến chứng khác nhau mà không có tác dụng phụ. Sự phân rã sỏi xảy ra sau 15 ngày dùng thuốc. Dây thần thông được dùng trị loét miệng. Nghiền 3 - 5g rễ trong nước thành bột nhão và uống các ngày một lần. Rễ tươi được nhai và ngậm một lúc trong miệng.
Trộn 5ml dịch ép từ dây thần thông tươi với 10 - 20 hạt hồ tiêu và 10ml mật ong và uống làm một lần. Cứ cách 4giờ uống một liều như vậy để trị bệnh lậu. Rễ và thân dây thần thông được dùng kết hợp với các thảo dược khác trị rắn cắn và bọ cạp đốt. Nước sắc từ thân cây tán bột là thuốc hồi phục chức năng, bổ và tăng dục. Toàn cây giã nhuyễn đắp trị gãy xương.
Dây thần thông được dùng để cải thiện khả năng tâm thần, trị các rối loạ thần kinh. Một thuốc sắc từ lá được dùng điều trị bệnh gút (thống phong). Cây cũng được dùng làm thuốc an thần, trị hen, viêm quầng và lao phổi. Dùng dịch ép từ toàn cây hoặc thân bôi đắp ngoài trị bệnh nám da và ghẻ, và cũng dùng uống để tẩy máu. Lá được dùng trị khí hư.
Một chế phẩm bào chế từ các cây dây thần thông, hương nhu, dung, Asparagus racemosus được dùng điều trị rối loạn nội tiết ở phụ nữ. Đó là những vị thuốc được biết đến về công dụng hỗ trợ hệ nội tiết của phụ nữ và làm tăng sự "khoẻ mạnh về tình dục" ở phụ nữ.
Dây thần thông cũng được dùng trị giang mai, viêm phế quản, di tinh, và liệt dương.
Dùng 4 thìa cà phê dịch ép thân tươi dây thân thông cùng với 1 thìa cà phê mật ong uống lúc đói, ngày 2 lần trong 7 ngày để trị di tinh, dùng trong 1 tháng. Cũng được chỉ định làm thuốc kích dục và làm tăng tinh trùng trong tinh dịch.
Ở Sri Lanka, thân dây thần thông được dùng trị sốt, bệnh da, vàng da và bệnh giang mai. Tinh bột từ rễ và thân cây được dùng trị tiêu chảy mạn tính và lỵ mạn tính dai dẳng, và là một chất dinh dưỡng có giá trị, trong trường hợp ruột bị kích thích và không tiêu hoá được thức ăn thông thường. Nó có tác dụng điều trị các triệu chứng của thấp khớp. Dịch ép cây tươi là thuốc lợi tiểu mạnh. Để trị rắn cắn và côn trùng độc cắn đốt, dùng dịch ép và nước sắc rễ đắp vào nơi bị thương và uống cứ nửa giờ một lần.
Được dùng trị sốt rét nhẹ dưới dạng cồn thuốc.
Công dụng của dây thần thông trong thú y:
Toàn cây được dùng trị bệnh ghẻ lợn. Dây leo được dùng trị ký sinh trùng bên trong ở loài gia súc nhai lại và trị tiêu chảy ở gia cầm. Thân, rễ và toàn cây được dùng trị bong gân, áp xe, u, vết thương, gãy sừng, cụm nhọt, để làm thuốc lợi sữa, điều trị viêm phổi, hen, ho, cơn đau bụng, táo bón, uốn ván, thuỷ đậu.
Nhận xét
Đăng nhận xét