Chè dây được dùng phổ biến trong dân gian để điều trị bệnh đường tiêu hóa
Chè dây còn gọi là thau rả (tiếng Nùng), khau rả (tiếng Tày), hồng huyết long, điền bổ trà, ngưu khiên tỵ…, có tên khoa học là Ampelopsis cantoniensis (Hook.et arn.) Planch, thuộc họ nho (Vintaceae). Lá chứa Tanin (10.82 -13.30%) flavonoid toàn phần chiếm 18.15 +_ 0.36% trong đó myricetin chiếm 5.32+_ 0.04%. Tại các tỉnh vùng núi cao phía Bắc, đồng bào dân tộc thường dùng loại cây leo mọc tự nhiên trong rừng này làm thuốc chữa các bệnh đau bụng có triệu chứng là đau rát thượng vị, ợ hơi, ợ chua và cả chứng mất ngủ.
Theo các nghiên cứu lâm sàng trên bệnh nhân tại Khoa Tiêu hóa Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện E, Bệnh viện 108, Bệnh viện Y học cổ truyền T.Ư, chiết xuất từ chè dây có tác dụng cắt cơn đau dạ dày, liền sẹo ổ loét và diệt trừ xoắn khuẩn Helicobacter Pylori với tỷ lệ cao. Một đặc tính hơn hẳn nhóm thuốc hóa dược điều trị dạ dày hành tá tràng là thành phần flavonoid trong chè dây còn có tác dụng giải độc gan theo cơ chế chống ô xy hóa khử gốc tự do và an thần. Do vậy, người bệnh khi uống thuốc không gặp phải phản ứng phụ gây khó chịu hay mệt mỏi kéo dài như một số loại tân dược điều trị bệnh dạ dày khác.Theo y học cổ truyền, chè dây có vị ngọt, đắng, tính mát, được dùng chữa các bệnh liên quan tới dạ dày và còn có tác dụng an thần, chữa mất ngủ. Cách đây gần 20 năm, chè dây đã được các nhà khoa học Việt Nam nghiên cứu và phát hiện ra những tác dụng tích cực trong việc điều trị viêm loét dạ dày, hành tá tràng. GS-TS Phạm Thanh Kỳ, nguyên Hiệu trưởng Đại học Dược Hà Nội cho biết: “Chúng tôi đã tiến hành nghiên cứu về cây chè dây từ năm 1990. Để xác định được tên khoa học của cây chè dây mà đồng bào vẫn dùng, chúng tôi đã phải lên tận nơi để lấy được mẫu cây có hoa, có quả, hạt và sau đó mới xác định được tên khoa học là Ampelopsis cantonesis planch vitaceace”. Sau đó, nhóm nghiên cứu đã xác định thành phần chính trong cây chè dây là flavonoid có khả năng giảm đau, liền vết loét và có tác dụng diệt xoắn khuẩn Helicobacter Pylori (là xoắn khuẩn gây ra bệnh viêm loét dạ dày, hành tá tràng). Các nhà khoa học cũng đã nghiên cứu và xác định cây chè dây không có độc tính và độ an toàn cao.
Hiện nay, dược liệu chè dây được trồng theo quy mô công nghiệp ngay tại các vùng nguyên liệu mọc tự nhiên, như Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai,… theo tiêu chuẩn GACP-WHO (trồng trọt và thu hái sạch cây thuốc theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới), góp phần vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo cho nông dân. Việc trồng và thu hái chè dây theo tiêu chuẩn GACP-WHO đã góp phần đảm bảo nguồn dược liệu ổn định, chất lượng tốt để phục vụ nhu cầu sản xuất trong nước, cũng như đảm bảo tính bền vững, sạch của loài dược liệu quý này.
Nhận xét
Đăng nhận xét