Sung ngọt
Sung ngọt, Sung trái - Ficus carica L., thuộc họ Dâu tằm - Moraceae.
Mô tả: Cây gỗ nhỏ, thường có dạng bụi cao trung bình 3-4m, song thân cây có thể có chu vi tới 1m. Lá dai, nạc, có lông, dài và rộng 10-20cm, hình chân vịt hay dạng tim nhiều hay ít, rất đa dạng, thường có 5-7 thuỳ cách nhau bởi những góc lõm sâu; phiến xanh sẫm ở trên, xanh nhạt ở dưới và ráp. Quả sung to, dạng như quả lê, hình gụ hay gần hình cầu, có màu sắc thay đổi khi chín.
Hoa tháng 4-5; quả chín tháng 9-10.
Bộ phận dùng: Quả và rễ - Fructus et Radix Fici; thường gọi là Vô hoa quả
Nơi sống và thu hái: Gốc ở Cận đông (Xyri, Iran, Á tiểu Hy Lạp) nay trở thành hoang dại ở vùng Địa trung hải. Ta nhập trồng ở Phú Yên, Khánh Hoà; cây chịu vùng nắng khô. Nạc khi chín ngọt, khi phơi khô ngọt như Chà là.
Thành phần hoá học: Quả chứa proteose, amino acid, tyrosin, carotin, các acid fumaric, chikimic, quitic, các men cravin, lipase, protease. Lá chứa 0,06% chất đắng ficusin và bergapten. Nhựa chứa enzym proteolytic. Người ta đã tách được psoralen, bergapten, taraxasterol và b-sitosterol.
Tính vị, tác dụng: Quả, rễ có vị ngọt, tính bình; có tác dụng thanh nhiệt, kiện vị, chống ho, cầm máu, trừ lỵ, tiêu thũng, và nhuận phế.
Ở Ấn Độ, người ta xem quả có tính nhầy dịu, giải khát, làm mềm và bổ dưỡng. Dịch của nạc quả xanh có vị cay.
Công dụng: Ở Trung Quốc quả và rễ được dùng chữa tiết tả, bệnh trĩ, mụn nhọt, viêm nhánh khí quản, háo suyễn, phổi nóng sinh ho.
Ở Ấn Độ, quả được dùng làm thức ăn bổ dưỡng; dịch quả xanh được dùng để huỷ các mụn hạt cơm thường.
Nhận xét
Đăng nhận xét