Chuyển đến nội dung chính

Cây trám

Cây trám, thuộc chi Trám ( Canarium ), ở Việt Nam phổ biến có 2 loài trám trắng và trám đen. Cây trám có nhiều tác dụng, như quả để ăn, cây dùng để lấy gỗ, nhựa, tinh dầu. Ngoài ra trám còn có tác dụng làm thuốc trong y học dân gian.
Cây trám là cây gỗ lớn bản địa có chiều cao từ 20-30m, đường kính ngang ngực từ 50-70cm, thân tròn thẳng, tán lá rộng và xanh quanh năm.

Lá kép lông chim lẻ, mọc so le, dài 35 - 40 cm, mang 7 - 11 lá chét; lá chét hình trái xoan, mặt trên màu xanh nhạt, bóng, mặt dưới có lông ánh bạc; những lá gần gốc đầu có mũi nhọn ngắn, lá phía trên có đầu thuôn dài; gân lá hơi rõ; có lá kèm hình dùi, phủ lông mềm, màu nâu bạc.

Cây trám có trám đực và trám cái.

Cây Trám ra hoa vào tháng 6 - 7 và đậu quả: tháng 8 - 10.

Cụm hoa mọc ở ngọn thành chùm kép, dài 8 - 10 cm; lá bắc hình vảy. Hoa đơn tính cùng gốc, mọc thưa, thường tụ họp 2 - 3 cái ở một mấu; đài có lông 3 răng; tràng hình bầu dục, có 3 cánh hơi dài hơn lá đài, phủ lông ngắn ở mặt ngoài; nhị 6 chỉ nhị ngắn; bầu hình trứng có lông màu nâu.

Quả hạch hình trái xoan, hai đầu nhọn, dài 2,5 - 3,5 cm, khi chín màu vàng nhạt; hạt cứng hoá gỗ dày.

Cành non màu nâu nhạt, có lông mềm. Vỏ mỏng màu nâu xám. nứt dọc nhẹ, thịt hồng, có mùi thơm đặc biệt và khi bị cắt có nhựa đặc chảy ra.

Gỗ cây trám mềm, nhẹ, thớ mịn, dễ bóc và dễ lạng, thường được dùng trong xây dựng nhà cửa, làm nguyên liệu gỗ dán, bột giấy và củi đun.


Cây trám
Cây trám

Trám trắng và trám đen

Hai loài trám trắng ( Canarium album ) và trám đen ( Canarium tramdeum ) là hai loài cây Nam Á, có một số điểm đặc biệt khác với những loài còn lại ở các chi tiết: lá, hoa và quả. Quả hai loài cây này rất giống hai loại quả ôliu (Olea europaea) của Nam Âu. Từ ngữ tiếng Anh bao hàm sự so sánh này: trám trắng được gọi là Chinese white olive (trám trắng Trung Quốc) và trám đen, Chinese black olive (trám đen Trung Quốc).

Quả trám trắng
Quả trám trắng

Quả trám trắng
Quả trám trắng

Quả trám trắng
Quả trám trắng khi chín chuyển sang màu vàng

Trám trắng (Canarium album Raeusch), còn có các tên gọi khác là cây bùi, thanh quả, cảm lãm, mác cơm, cà na.

Trám đen ( Canarium tramdeum ), còn gọi là trám sâm : quả trám đen thường thu hoạch sớm hơn trám trắng ít ngày, tuy vẫn cùng những tháng mùa thu (vào tháng 9-10).

Quả trám đen
Quả trám đen

Quả trám đen
Quả trám đen

Quả trám đen
Quả trám đen

Quả trám đen khi chín có màu đen và cứng. Trám trắng có hai loại trám bở và trám dai, khi chín quả ngả sang màu vàng.

Nhựa trám trắng dùng để chưng cất tinh dầu, chế biến côlôphan dùng trong công nghệ nước hoa, xà phòng, véc ni làm hương, pha chế sơn và mực in.

Quả trám làm thức ăn, chế biến ô mai, thuốc chữa ho, giải rượu và giải độc.

Hiện nay trám trắng được chọn làm cây trồng chính trong dự án khuyến lâm, dự án lâm nghiệp trang trại và các chương trình trồng rừng khác để nhằm cung cấp gỗ, quả và khai thác nhựa.

Trám phân bố tự nhiên ở Trung Quốc, Lào, Thái Lan, vùng biển Ngà… ở Việt Nam Trám trắng mọc rải rác trong rừng tự nhiên ở các tỉnh phía Bắc, khu IV cũ và vùng Bắc Tây Nguyên ở độ cao từ 100-800m so với mặt biển.

Cây trám được trồng rộng khắp miền bắc và cả ở miền nam Tây Nguyên. Trám đen là đặc sản quý của các tỉnh trung du miền núi phía bắc. Trồng trám cho hiệu quả kinh tế cao, cây trám từ 7 – 10 năm tuổi cho thu 2 – 3 tạ quả/năm.

Chi Trám

Chi Trám (danh pháp khoa học: Canarium) là một chi các loài cây thân gỗ trong họ Trám hay họ Râm ( Burseraceae, đồng nghĩa Balsameaceae ), có nguồn gốc ở vùng nhiệt đới châu Phi và Nam Á, từ miền nam Nigeria về phía đông tới Madagascar, Mauritius, Ấn Độ, miền nam Trung Quốc và Philipin. Chúng là các loại cây thường xanh thân gỗ lớn cao tới 40–50 m, với các lá mọc đối hình chân chim.

Sử dụng

Một số loài có quả ăn được, gọi là quả trám. C. indicum và C. ovatum thuộc về số các loài cây có hạt quan trọng nhất ở miền đông Indonesia và miền tây nam Thái Bình Dương cũng như ở Philipin. Các loài khác, quan trọng nhất là C. luzonicum, sản xuất ra nhựa gọi là dầu trám.

Canarium odontophyllum là loài trám có quả ngon và bổ dưỡng có hương vị như quả lê tàu. Cùi thịt của nó ăn được sau khi ngâm vào nước ấm. Quả chứa protein, lipit và các cacbohyđrat, làm cho nó trở thành một loại quả có giá trị. Nó được đưa từ Borneo vào Queensland, Australia.

Tên gọi

Tên chi Trám Canarium có nguồn gốc từ ngữ hệ Nam Á, người Nam bộ gọi trám là cà na, người Khmer gọi là kana, người Mã Lai gọi là kanari. Để vinh danh ngữ hệ Nam Á, chi Canarium cũng có thể gọi là chi cà na.

Thơ văn

Bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu.
"Mình về, rừng núi nhớ ai
Trám bùi để rụng, măng mai để già"

Ẩm thực

1. Món ăn từ quả trám trắng

- Làm mứt trám, có mùi vị đặc biệt: trám trắng nấu với đường để làm mứt trám, hương vị từa tựa mứt chà là Iraq

- Ô mai trám (trộn bột gừng, cam thảo): trám trắng còn ngâm với muối, rồi phơi thành ô mai trám.

- Trám kho cá rô (hoặc cá khác): Bỏ hạt, đập dập, xếp từng lớp trám cách cá vào nồi đất, cho tương vào nấu lửa nhỏ đến khi chín nhừ. Trám trắng có vị chát sẽ làm mất đi mùi tanh của cá

- Trám trắng kho thịt: quả trám ngon nhất khi được đập dập cả hạt, cái nhân nằm dọc hạt trám sẽ ngấm ra thịt quả, rồi được kho kỹ với thịt ba chỉ... vị chua chát quyện với miếng thịt nửa nạc nửa mỡ làm miếng cơm ngon miệng hơn và đậm đà một cách giản dị. Thịt không còn quá ngấy và béo, còn quả trám lúc đó hơi chát dịu, chua chua man mát, và ngậy, cái ngậy của thịt ba chỉ và nhân trám tiết ra.

- Trám trắng ngâm nước mắm cua. Sau khi ngâm nước nóng già, bổ quả trám, tách đôi bỏ hạt, lại ngâm vào nước tro rơm rạ. Qua một đêm vớt ra rửa sạch, đợi ráo nước đem phơi nắng nửa ngày cho tái quắt lại rồi ngâm vào nước mắm cua đậm đặc để ăn dần. Có thể để dành vài tháng sau ăn vẫn ngon.

- Trám muối: luộc đổ nước chát, tách đôi bỏ hột, cho nước mắm ngon với ít đường ngập trám, để khoảng 5 ngày mới ăn (không dùng muối).

2. Món ăn từ quả trám đen

- Trám đen chín om. Ðun nước sôi 70 độ C, cho trám vào om đậy kín 20 phút vớt ra, để ráo, bổ dọc quả, bỏ hạt. Khi ăn chấm muối vừng, tương gạo hoặc nước thịt kho tàu, rất bùi. Thứ quả này nếu ngâm trong nước càng nóng, càng lâu thì càng rắn; nhược bằng đem đun lâu thì nó dai như miếng cao-su. Trám chín đúng độ là cùi của nó không rắn, không nát. Người ta cũng còn dùng những mảnh trám đen trộn với xôi nếp vừa đồ chín, gọi là "xôi trám".

- Trám đen kho thịt hay cá: phần cùi của quả trám đem kho chung với thịt ba rọi hoặc các loại cá sông sẽ có mùi vị ngon rất đặc trưng

- Trám đen ngâm tương: mua trám về, rửa sạch vớt ra để ráo, bỏ vào một cái âu tráng men có nắp hay cái hũ sành dầy có nắp. Bỏ vào thìa muối hầm và cho nước nóng sôi và để nguội 85 độ rồi đổ ngập trám, đậy nắp; nhớ cho muối đậm đậm chút vì cho muối đậm thì nó mới hút, mới rút, mới lôi ra, kéo ra hết được cái ngon cái ngọt của trám ra cho người thọ hưởng, vài tiếng sau là ăn được. Nếu muốn làm trám ngâm tương thì bóc nhẹ món trám muối ra, rồi đem phơi vài nắng cho quắt lại (quắt vừa vừa thôi)... rồi mới đem dầm trong nước tương

- Xôi nhân trám. Một chõ xôi vài cân gạo nếp cần có 1/3 là nhân trám. Như vậy, phải có vài rổ hạt trám mới lấy được 1 kg nhân. Để chuẩn bị có một chõ xôi nhân trám phải vo gạo nếp, ngâm gạo từ tối hôm trước, sáng hôm sau mới rửa hạt trám đổ ra nong, chặt hạt trám, lấy nhân. Sau khi có đủ nhân trám mới xóc cùng gạo có thêm ít muối và cho vào chõ đun nhỏ lửa. Khoảng nửa giờ sau, mùi xôi thơm là được. Xôi được đơm vào đĩa, nhìn vào bạn sẽ ngỡ là chỉ có gạo nếp không vì nhân trám cũng trắng tinh. Tuy nhiên, khi ăn, ta có cảm giác sần sật, béo lại bùi lẫn trong hạt nếp.

Trong y học

Quả trám vị chua, ngọt bùi, béo, tính ấm (có sách viết lương - hơi hàn) vào 2 kinh phế và vị (có sách viết vào phế và thận); Có tác dụng sinh tân dịch, giải khát, thanh giọng, giải độc cá, giải say rượu mê man, nôn mửa, nhức đầu.

- Về mùa đông, nếu đêm ngủ thấy khô cổ và ho, gây mất giấc: dùng ngày 20-30 quả trám trắng (bỏ hột) đập dập nấu nước uống. Có thể thêm gừng, đường hay mật để uống.

- Viêm họng cấp hay mãn, viêm amiđan, khô cổ, mất tiếng: dùng trám muối để ngậm hay pha nước uống. Có thể dùng trám tươi để hãm uống.

- Sốt cao, khô môi miệng, khát nước: giã quả trám lấy nước uống hàng ngày.

- Ho khản cổ: trám tươi 4 quả bỏ hột, giã nát với huyền sâm 10g thái lát. Cho vào nồi đất đổ ngập nước, nấu uống. Có tác dụng tư âm, giáng hỏa, lợi yết hầu, thanh nhiệt giải độc, tiêu thũng.

- Kiết lỵ ra máu: trám và ô mai lượng bằng nhau đốt thành tro. Ngày dùng 9g uống với nước cơm.

- Ngộ độc cua cá (có sách ghi ngộ độc cá nóc): trám trắng 30g sắc nước uống. Cách này cũng dùng cho trẻ em lên sởi và chữa bệnh hoại huyết.

- Viêm tắc mạch máu: quả trám trắng luộc ăn cái, uống nước hàng ngày, mỗi ngày 200g. Liệu trình 1-2 tháng.

- Nẻ da do lạnh (cước), khô nứt môi chảy máu: trám đốt thành tro, trộn mỡ lợn hoặc dầu thực vật bôi (Nam dược thần hiệu).

- Canh thanh long bạch hổ: Bài thuốc của y gia Vương Mạnh Anh đời Thanh, Trung Quốc. Quả trám tươi (bỏ hột) 15g đập dập, củ cải sống 250g thái nhỏ. Dùng nồi đất ninh. Lấy nước uống thay trà (có thể ăn cái). Phòng chữa bệnh đường hô hấp trên như khi bị cảm cúm.

- Trà trám: Trám 3 quả, bạng đại hải (đười ươi) 3 hạt, trà xanh 5g, mật ong 20g. Trám đập dập (không hạt) cho vào nồi đất đun 15 phút rồi rót vào cốc đã để sẵn bạng, trà, mật ong. Hãm 10-15 phút chờ nguội bớt. Uống thay trà, dùng điều trị viêm họng khô rát, khản cổ, ho khan.

- Cao trám: Quả trám trắng bỏ hột, đập dập, đun nhỏ lửa 30 phút, cho đường phèn đun thành cao. Dùng chữa động kinh, pha uống ngày 2 lần, mỗi lần 1 thìa con.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Phân biệt : khoai nước- khoai sọ - dọc mùng - môn bạc hà - Ráy voi....

KHOAI NƯỚC Khoai nước, Môn nước - Colocasia esculenta Schott,  Chi Colocasia - Khoai nước, Khoai môn,  Họ Araceae - ráy, khoai môn, khoai nước, thiên nam tinh,  bộ Alismatales Trạch tả Mô tả:  Khoai nước và Khoai sọ cùng loài nhưng khác thứ: +   Khoai nước - Colocasia esacuenta Schott  trồng nước + Khoai sọ - Colocasia esacuenta  var.  antiquorum  trồng khô.  Cây thảo mọc hoang và được trồng, có củ ở gốc thân hình khối tròn. Lá có cuống cao đến 0,8m; phiến dạng tim, màu lục sẫm nhiều hay ít, tím hay nâu tuỳ giống trồng, gân nổi rõ. Mo vàng có phần ống xanh, đầu nhọn. Trục bông mo mang hoa đực và hoa cái, hoa cái có bầu nhiều noãn. Quả mọng vàng khi chín to 3-4mm. Nơi mọc:   Loài được trồng nhiều ở nước ta và các xứ nhiệt đới để lấy củ ăn. Công dụng:  Ta thường dùng củ nấu ăn với xôi hay nấu chè, làm bánh. Cuống lá cũng thường dùng làm rau ăn nhưng phải xát hoặc ngâm với muối để khỏi ngứa. Cũng dùng muối dưa ăn. Củ tươ...

Tổng hợp các loại đậu

Các loại quả đậu ăn cả vỏ lẫn ruột khi chưa chín Đậu rồng – Đậu khế – Đậu xương rồng – Đậu cánh – Winged bean – Winged pea – Goa bean – Asparagus pea – Four-angled bean. Đậu rồng  còn gọi là đậu khế hay đậu xương rồng, đậu cánh (danh pháp hai phần: Psophocarpus tetragonolobus) là một loài cây thuộc họ Đậu (Fabaceae)  Đậu que – Green bean – String bean – Snap bean. Đậu que   là một tên gọi thường dùng ở Việt Nam để chỉ các loại đậu có dạng quả có đặc điểm dài và ốm, như: Đậu đũa , tên khoa học  Vigna unguiculata sesquipedalis , một loại đậu thuộc  chi Đậu  ( Vigna ),  họ Đậu . Đậu cô ve , tên khoa học  Phaseolus vulgaris , một loại đậu thuộc  chi Đậu cô ve  ( Phaseolus ),  họ Đậu . Đậu cô ve – Đậu a ri cô ve – French beans, French green beans, French filet bean (english) – Haricots verts (french): được trồng ở Đà Lạt. Đậu que ,  đậu ve  hay  đậu cô ve , còn gọi là: đậu a ri cô ve do biến âm từ  tiếng...

Cơm nguội vàng hay còn gọi là cây sếu, phác, cơm nguội Trung Quốc - Celtis sinensis Pers.

Cơm nguội vàng  hay còn gọi là  cây sếu ,  phác ,  cơm nguội Trung Quốc  (tên khoa học:  Celtis sinensis  Pers., tiếng Trung:  朴树 ) là một loài thực vật thuộc  chi Cơm nguội ,  họ Gai dầu  ( Cannabaceae ). Phân loại khoa học Giới   ( regnum ) Plantae (không phân hạng) Angiospermae (không phân hạng) Eudicots Bộ   ( ordo ) Rosales Họ   ( familia ) Cannabaceae Chi   ( genus ) Celtis Loài   ( species ) C. sinensis Danh pháp hai phần Celtis sinensis Pers. Các danh pháp đồng nghĩa có:  Celtis bodinieri   H. Léveillé ;  C. bungeana  var.  pubipedicella   G. H. Wang ;  C. cercidifolia   C. K. Schneider ;  C. hunanensis   Handel-Mazzetti ;  C. labilis   C. K. Schneider ;  C. nervosa   Hemsley ;  C. tetrandra   Roxburgh  subsp.  sinensis   (Persoon) Y. C. Tang .