Theo “Cẩm nang nghiên cứu đa dạng sinh vật – Manual on research of biodiversity”1. Xác định và kiểm tra tên khoa học
GS- TSKH Nguyễn Nghĩa Thìn (1997), Nhà xuất bản Nông nghiệp
Để xác định lên loài, cần thực hiện theo trình tự gồm các bước sau:
1.1. Phân loại mẫu theo họ và chi
Khâu đầu tiên và hết sức quan trọng là phân loại các mẫu theo từng họ theo bảng chỉ dẫn nhận biết nhanh các họ thực vật của Nguyễn Nghĩa Thìn, Nguyễn Tiến Bân. Từng họ được phân loại thành từng chi trước khi tiến hành xác định loài. Những mẫu nào chưa phân họ và chi được thì dùng các khóa xác định họ và chi để xác định.
1.2. Phân tích mẫu và xác định tên loài
Để xác định tên khoa học, đầu tiên phải tiến hành phân tích các mẫu đã thu thập. Khi phân tích trên mẫu khô phải lấy từng mẫu hoa ra cho vào ống nghiệm cùng với ít nước đủ ngập hoa và đun sôi để mẫu trở lại trạng thái bình thường. Hai tay dùng kim nhọn tách từ từ các bộ phận của hoa dưới kính lúp để quan sát. Khi phân tích, tuân thủ một số nguyên tắc như sau:
- Phân tích từ tổng thể bên ngoài đến các chi tiết bên trong.
- Phân tích từ cái lớn đến cái nhỏ.
- Phân tích đi đôi với việc tra khóa xác định.
- Hoàn toàn trung thực và khách quan với các mẫu thực, không phụ thuộc vào các tên giám định sẵn hay tên do các tác giả khác xác định trước đây.
- Khi tra khóa luôn đọc từng cặp đặc điểm đối nhau cùng một lúc để phân định giữa các cặp dấu hiệu.
Các mẫu đã xác định xong được nhập vào phòng tiêu bản. Các họ được xếp theo thứ tự alphabet tên khoa học, trong mỗi họ là các chi và tiếp theo là các loài cũng được xếp theo thứ tự này.
1.3. Kiểm tra tên khoa học
Sau khi đã có tên khoa học, cần kiểm tra lại các bản mô tả đã được giới thiệu trong các bộ thực vật chí và các tài liệu chuyên khảo:
- Cẩm nang tra cứu và nhận biết các họ thực vật hạt kín ở Việt Nam, Nguyễn Tiến Bân (1999), Nhà xuất bản Nông nghiệp, Hà Nội;
- Cẩm nang nghiên cứu đa dạng sinh vật, Nguyễn Nghĩa Thìn (1997), Nhà xuất bản Nông Nghiệp, Hà Nội;
- Cây gỗ rừng Việt Nam, Tập 1-7, Bộ Lâm nghiệp (1971-1988), Nhà xuất bản Nông nghiệp, Hà Nội;
- Cây cỏ có ích ở Việt Nam, tập 1-2, Võ Văn Chi & Trần Hợp (1999-2001), Nhà xuất bản Giáo dục, Hà Nội;
- Cây cỏ thường thấy ở Việt Nam, tập 1-6, Vũ Văn Chuyên, Phan Nguyên Hồng, Trần Hợp (1996-1976), Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội;
- Cây cỏ Miền Nam Việt Nam, Quyển I, Phạm Hoàng Hộ (1970), Bộ Văn hóa Giáo dục và Thanh Niên, Trung tâm học liệu, Sài Gòn;
- Cây cỏ Miền Nam Việt Nam, Quyển II, Phạm Hoàng Hộ (1972), Bộ Giáo dục, Trung tâm học liệu, Sài Gòn;
- Cây cỏ Việt Nam , Phạm Hoàng Hộ (1991-1993), 3 tập 6 quyển, Montréal;
- Cây cỏ Việt Nam, quyển I, II, III, Phạm Hoàng Hộ (1999-2000), Nhà xuất bản Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh;
Ghi đầy đủ tên khoa học của cây cùng tên tác giả và tên họ của mẫu cây đó.
Sau khi đã có tên khoa học của các mẫu thu thập cần tiến hành kiểm tra lại các tên khoa học để đảm bảo tính hệ thống, tránh sự nhầm lẫn và sai sót. Điều chỉnh khối lượng họ và chi cũng như tên khoa học của họ và chi nhằm mục đích thống nhất tên gọi đã được Bộ luật về tên gọi thực vật Tokyo (1994) quy định đối với họ và được Brummitt, chuyên gia tên gọi thực vật của Bảo tàng thực vật Hoàng gia Kew, tập hợp năm 1992 đối với tên chi:
- Vascular Plant Families and Genera, Brummitt R.K. (1992), Royal Botanic Gardens , Kew ;
- Authors of Plant Names, Brummitt R.K., C. E. Powell (1992), Royal Botanic Gardens, Kew;
Đây là tài liệu đầy đủ nhất về tên các chi từ trước tới nay.
2. Xây dựng danh lục thực vật
Bảng danh lục được xây dựng theo hệ thống phân loại của Brummitt (1992). Trong bảng danh lục phải phản ánh đầy đủ các thông tin cần thiết cho mục đích nghiên cứu. Do đó, trước hết phải có một danh sách các loài theo từng họ, các họ theo từng lớp và các lớp theo từng ngành. Các ngành và lớp xếp theo thứ tự tiến hóa từ thấp đến cao. Ở mỗi lớp, các họ được xếp theo alphabet tên khoa học. Danh lục các loài cần có tên khoa học, tên Việt Nam hay tên địa phương (nếu có) cùng với các thông tin giúp cho việc đánh giá tính đa dạng. Đó là các thông tin về dạng sống, yếu tố địa lý, giá trị sử dụng,…
Trên cơ sở danh lục, căn cứ vào tiêu chuẩn của sách đỏ Việt Nam, Nghị định 32/2006/NĐ-CP của chính phủ: Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm, để lập danh sách các loài quý hiếm và Quyết định số 14/2002/QDD/BNN-KL ngày 27/02/2002 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Kiểm lâm (2002): Danh mục các loài động, thực vật hoang dã cấm buôn bán thương mại quốc tế (CITES) để lập danh sách các loài thực vật hoang dã cấm buôn bán thương mại quốc tế.
Xem thêm:
Flowering Plants – Amen Takhtajan
Vascular Plant Families and Genera – Brummitt R.K.
Flowering Plant Origin, Evolution & Phylogeny – Taylor, David W.
Cây cỏ Việt Nam – Phạm Hoàng Hộ
Phong Lan Việt Nam – Trần Hợp
Thực vật có hoa – Nguyễn Nghĩa Thìn
Hướng dẫn cách đọc Latin – Đỗ Xuân Cẩm
Thu hái và xử lý mẫu vật
Xác định, kiểm tra tên khoa học và lập danh lục thực vật
Cẩm nang ngành Lâm nghiệp
Tủ sách SINH HỌC
Nhận xét
Đăng nhận xét